Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành (09/03/2018)

Hiện nay, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là điều mà đông đảo người tiêu dùng quan tâm. Mặc dù, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong nhiều năm, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Nguyên nhân vì sao? Chúng ta đã có những hình thức xử lý như thế nào? Chúng ta cần làm gì để hạn chế tình trạng mất vệ sinh ATTP này?... Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS. Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).


ThS. Đỗ Hữu Tuấn

Phóng viên: Xin ông cho biết nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và thực trạng về quản lý ATTP nước ta trong thời gian qua?

ThS. Đỗ Hữu Tuấn: Trong thời gian qua, hệ thống văn bản pháp luật về ATTP được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện. Công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp đã được tăng cường; hệ thống tổ chức quản lý, điều kiện làm việc của các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm từng bước được kiện toàn và tăng cường từ trung ương đến địa phương; quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước… Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục phổ biến pháp luật về ATTP được đẩy mạnh. Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về ATTP được triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt và nghiêm minh hơn.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP chưa được hệ thống hóa, một số quy định còn chưa rõ ràng, thiếu cụ thể về phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương… Công tác chỉ đạo chưa theo kịp tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chưa cao; đầu tư nguồn lực, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu, chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm...

Tại một số địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến. Việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về an toàn thực phẩm còn thụ động, xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP còn hạn chế. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn chưa được chú trọng đúng mức.

Nguyên nhân các hạn chế, yếu kém do yếu tố chủ quan là chủ yếu. Trước hết là ở một số nơi chính quyền các cấp quản lý chưa nghiêm. Sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng.

Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là hậu quả của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, chứa các tác nhân gây ngộ độc (thực phẩm bị ô nhiễm). Các tác nhân gây ngộ độc bao gồm tác nhân sinh học (vi sinh vật, độc tố vi sinh vật, vi nấm…), tác nhân hóa học (thuốc trừ sâu, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản, chất cấm sử dụng trong thực phẩm…), hoặc do độc tố tự nhiên có sẵn trong thực phẩm (độc tố cá nóc, cóc, nấm độc, ốc biển lạ…).

Ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát ATTP, tuy nhiên thực tế vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm thực phẩm. Kết quả điều tra các vụ NĐTP cho thấy nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm là do:

- Sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn: Người tiêu dùng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã quá hạn sử dụng, thực phẩm hoặc đã hư hỏng biến chất, có hóa chất độc (cá nóc, nấm độc…) hoặc do hành vi cố tình gian dối của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Vệ sinh không đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh dẫn đến thực phẩm bị ô nhiễm các tác nhân gây ngộ độc từ bên ngoài môi trường xâm nhập (chủ yếu là các loại vi sinh vật gây bệnh).

- Bảo quản sản phẩm không đảm bảo an toàn, không đúng quy định dẫn đến thực phẩm bị hư hỏng, biến chất…

- Thói quen của người tiêu dùng không đảm bảo an toàn như ăn sống, tái, ăn tiết canh…

Phóng viên: Theo ông, đâu là giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này?

ThS. Đỗ Hữu Tuấn: Việc phòng chống NĐTP cần sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm. Đó là việc triển khai các biện pháp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, từ Trung ương đến địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm:

1. Rà soát, chỉnh sửa, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi ATTP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm bền vững; nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng, công khai các vi phạm an toàn thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng.

4. Kiện toàn năng lực của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương trong kiểm soát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

5. Phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành nghề, trong việc giám sát an toàn thực phẩm, thông tin tuyền truyền giáo dục và kiểm soát an toàn thực phẩm ở đối tượng có liên quan.


Tăng cường kiểm tra ATTP đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm an toàn

Phóng viên: Xin ông cho biết chúng ta hiện nay đang quản lý thực phẩm như thế nào? Có khó khăn, thuận lợi gì?

ThS. Đỗ Hữu Tuấn: Hiện nay tại Việt Nam đang quản lý thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm, Điểu 61 quy định “Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương.

Ngày 02/02/2018,Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ – CP thay thế nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật ATTP, trong đó quy định rõ Nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Nghị định vừa ban hành và có hiệu lực ngay nên trong giai đoạn chuyển giao từ việc thực hiện Nghị định 38/2012 sang Nghị định 15/2018 với chủ trương thông thoáng cho Doanh nghiệp, yêu cầu các địa phương và các bộ ngành phải nhanh chóng bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện Nghị định này để tránh ách tắc cho doanh nghiệp đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng, tạo cho thị trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo sự phát triển bền vững trong sản xuất, kinh doanh, thực phẩm.

Phóng viên: Với các trường hợp cá nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật về ATTP, chúng ta sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

ThS. Đỗ Hữu Tuấn: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 07 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền thu được do vi phạm mà có bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Hạnh/suckhoedoisong.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
46
Tổng truy cập:
5312087