Mất thị trường vì không tuân thủ quy chuẩn (19/05/2018)

Trong tháng 3/2018, Việt Nam đã bị Australia trả về 2 lô hàng thực phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm. Đây không phải lần đầu các lô hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị phía đối tác trả lại đã cho thấy những cảnh báo về vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa xuất khẩu dường như vẫn chưa được doanh nghiệp lưu tâm.


Để tránh rủi ro cần nâng cao nhận thức về hàng hóa xuất khẩu sạch

Hàng loạt lô hàng xuất khẩu bị trả lại

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, 2 lô hàng thực phẩm của Việt Nam bị Australia trả về là sản phẩm tôm tẩm gia vị và tôm bóc nõn do có chứa chất cấm Standard plate count. Những lô hàng vi phạm sẽ không được phép bán tại Australia đồng thời nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Australia.

Các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra 100% cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không được thông quan vào nước bạn vì những vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Trước đó, tháng 2-2018, 6 lô hàng thực phẩm của Việt Nam cũng chứa chất cấm Standard plate khi nhập khẩu vào thị trường Australia. Tất cả 6 lô hàng này đều là các sản phẩm liên quan đến ngành nông, thủy sản.

Cụ thể, 2 lô tôm là tôm đông lạnh và tôm nấu chín có chứa chất cấm. 2 lô hàng có chứa hoá chất, chất gây ô nhiễm và độc tố toxin là cá thu muối và cá thu ngâm trong dầu đậu tương. Ngoài ra, còn có 2 lô ớt đỏ và thanh long được xác định chứa một loạt các chất cấm nguy hại đến sức khỏe bao gồm các chất carbendazim, chlorpyrifos, cyhalothrin, difenoconazole, metalaxyl, profenofos và propiconazole.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, chỉ riêng trong  năm 2017, có tới 39 lô hàng thực phẩm không qua được vòng kiểm soát của Australia do những vi phạm liên quan đến ATVSTP. Không chỉ tại Australia, tại nhiều thị trường khác, hàng hóa nông sản thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng có điều tiếng liên quan đến vấn đề chất lượng, ATVSTP... Và hầu như, tất cả những lô hàng vi phạm đều bị đối tác trả về.

Đơn cử, tại thị trường Hoa Kỳ, năm 2017 đã có khoảng 50% kiện hàng xuất sang Mỹ bị trả lại do thiếu các hồ sơ quy trình của sản phẩm, chưa kể đến chất lượng của sản phẩm. Việc nhiều lô hàng xuất khẩu lương thực bị nước bạn trả về do không tuân thủ các quy chuẩn của nước họ cho thấy, các DN cần phải lưu tâm hơn nữa đến vấn đề này, nếu không sẽ sớm đánh mất thị trường.

Yếu nhiều điểm

Trên thực tế, những động thái của nước bạn trong việc trả lại các lô hàng kém chất lượng của chúng ta mặc dù có gây ra những tổn thất không nhỏ về kinh tế song cũng là bài học để các DN xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đánh giá lại mình, xem lại chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo TS Đào Thế Anh- Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thì: Vấn đề cốt lõi của ngành nông nghiệp nằm ở chỗ chúng ta chưa kết nối được người dân và DN lại, chưa xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín. Vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo phong trào, tự phát… thành ra, yêu cầu về chất lượng sản phẩm luôn bị bỏ ngỏ.

Bởi vậy, vấn đề là phải làm sao để liên kết được nông dân và DN. Bản thân mỗi DN phải nắm bắt được thông tin của thị trường, hiểu rõ những yêu cầu từ thị trường xuất khẩu để từ đó áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của quốc gia đó vào sản phẩm của mình, tránh những vi phạm do mình thiếu thông tin. “Bản thân người nông dân cần phải tự nâng cao trình độ, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tránh sử dụng quá nhiều các chất cấm” – TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Riêng đối với thị trường Australia, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, mặc dù Australia là thị trường có nhu cầu rất lớn các mặt hàng nông thủy sản và sẵn sàng trả giá cao song họ đưa ra những quy chuẩn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm. Những quy định, tiêu chuẩn hàng hóa, nhất là ATVSTP tại thị trường này rất nghiêm ngặt.

Thực tế đó đòi hỏi các DN, nhất là DN xuất khẩu thủy hải sản, lương thực, thực phẩm, rau quả cần thay đổi cách thức kinh doanh, tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng. Đặc biệt, phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường về ATVSTP để hạn chế thấp nhất những nguy cơ bị trả lại hàng, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế cũng như chính bản thân các DN xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm Việt Nam nói chung.   

Theo Minh Phương/daidoanket.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
97
Tổng truy cập:
5333194