Kiểm soát sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu (07/06/2018)

Dù đã có nhiều biện pháp nhưng tình trạng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất, kinh doanh rượu vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.


Sản xuất rượu thủ công (Ảnh minh họa)

Nhiều vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng vi phạm quy định về VSATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2017 về tăng cường quản lý ATVSTP đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 28/3/2017 về tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm, trong đó, tập trung vào công tác quản lý, kiểm soát việc sử dụng sai mục đích đối với cồn công nghiệp, hóa chất và methanol.

Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nấu thủ công, đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm.

Qua kiểm tra, kiểm soát, "hoạt động kinh doanh rượu trên địa bàn cả nước đã cơ bản ổn định, chất lượng sản phẩm rượu từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm quy định về ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh rượu vẫn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân" - ông Trịnh Văn Ngọc - Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) - cho biết.

Siết chặt nguồn cung

Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với mặt hàng rượu, tạo lập thị trường rượu phát triển lành mạnh, năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP. Nghị định mới đã có nhiều thay đổi, bổ sung nội dung quản lý đối với rượu người dân tự nấu để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu; đồng thời quy định cụ thể các điều kiện đối với thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ và đặc biệt là hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ.

Cụ thể, kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh hay để bán cho doanh nghiệp phải có giấy phép hoặc phải đăng ký với UBND cấp xã... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những quy định này sẽ giúp minh bạch các cơ sở sản xuất rượu thủ công, sàng lọc ra những cơ sở đủ và không đủ điều kiện; đồng thời, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn rượu khi có sự cố xảy ra.

Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trong đó tăng cường trinh sát, đề xuất kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng.

Ngay sau khi Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu được ban hành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn địa phương, đồng thời đôn đốc địa phương tuyên truyền hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định.

Theo Hà Thu/baocongthuong.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
37
Tổng truy cập:
5264965