Lý do sản xuất một thanh chocolate cần 13 giấy phép (13/11/2018)

Thắc mắc này được Cục trưởng Cục ATTP giải thích tại hội nghị gặp gỡ phóng viên báo chí tuyên truyền về công tác quản lý ATTP.


Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị tổ chức sáng 9/11 tại TP.HCM, PGS, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, trong 9 tháng của năm 2018, Cục ATTP đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Y tế ban hành nhiều Nghị định, Nghị quyết, Thông tư về quản lý, thanh tra, xử phạt, thu hồi và xử lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đáng chú ý là Nghị định số 15/2018/ND-CP ngày 2/2/2018, thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật ATTP. Nghị định này đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng công tác quản lý ATTP, thông qua việc tăng cường hậu kiểm.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm. Có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo như trước đây. Chỉ tập trung nguồn lực để tiền kiểm các sản phẩm có nguy cơ cao như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp. Còn các sản phẩm khác (chiếm 90%) chuyển sang quản lý theo phương thức hậu kiểm.

Cũng tại hội nghị, ông Phong cũng giải thích vì sao đã quản lý theo phương thức hậu kiểm, mà vẫn có chuyện sản xuất 1 thanh chocolate phải cần tới 13 giấy phép.

“Cần hiểu đầy đủ về vấn đề này. Cụ thể, nếu như một doanh nghiệp nhập khẩu phụ gia về để bán cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân khác thì mỗi loại phụ gia phải có một giấy phép. Còn nếu doanh nghiệp đó nhập phụ gia về để sản xuất nội bộ, rồi bán ra thành phẩm là thanh chocolate thì chỉ cần cấp phép 1 lần cho sản phẩm thành phẩm đó. Các ngành hàng khác như may mặc, da dày... cũng tương tự như vậy”, ông Phong giải thích.

Theo ông Phong, Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP do Cục ATTP tham mưu cho Chính phủ ban hành, đã tạo ra điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp về công bố sản phẩm, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, cũng xử phạt nghiêm nếu doanh nghiệp vi phạm.

Ông Phong cũng cho biết, trong 9 tháng vừa qua, Cục ATTP đã xử phạt 99 công ty với số tiền hơn 6 tỷ đồng, tạm dừng lưu thông 26 lô sản phẩm vi phạm, thu hồi hàng trăm giấy phép.

Trong thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán, Cục ATTP sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung xử lý các loại thực phẩm có nguy cơ mất ATTP cao, các sản phẩm phục vụ Tết. Tuyên truyền thay đổi thói quen thực phẩm Tết cho người dân, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhà, sử dụng rượu bia vừa phải.

Cục ATTP cùng các bộ ngành và địa phương đều phải có kế hoạch tăng cường công tác hậu kiểm. Phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Ngoài việc phạt tiền, còn phải công khai các doanh nghiệp vi phạm trên trang web của cục và trên báo chí.

Các cơ quan chức năng cũng chú trọng vấn đề VSATTP tại các bếp ăn tập thể. Bởi, thực tế có 70% các ca ngộ độc tại các bếp ăn tập thể là do thức ăn không được chế biến tại chỗ, mà được chuyển từ nơi khác tới. Song song với đó, cần cải thiện chất lượng xuất ăn của công nhân.

Theo ông Phong, có những nhà máy, suất ăn của công nhân chỉ 12-14 nghìn đồng. Trong khi đó, đa phần công nhân đều ở độ tuổi 18-25, đây là độ tuổi sinh sản nếu chất lượng dinh dưỡng không đủ, cường độ lao động không hợp lý sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe sinh sản.

Nhiều vấn đề khác cũng sẽ được quan tâm là xử lý nghiêm các sản phẩm không đăng ký lưu hành, đặc biệt các loại sản phẩm giảm cân; quản lý chặt các nội dung quảng cáo các sản phẩm liên quan tới thực phẩm chức năng…

Theo Văn Tuấn/baodatviet.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
21
Tổng truy cập:
5325751