Hà Nam: Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (26/12/2018)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có khoảng 400 bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm... Sử dụng những thực phẩm an toàn là nhu cầu cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn góp phần cải thiện sức khỏe. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm gây ra không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người mà còn gây thiệt hại về kinh tế, gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang diễn ra rất nghiêm trọng và phức tạp. Vì vậy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay có hàng nghìn cơ sở tham gia chế biến thực phẩm. Thực tế cho thấy, mới chỉ có một số cơ sở, cửa hàng lớn, bếp ăn ở khách sạn và một số trường Mầm non làm tốt công tác bảo đảm VSATTP theo đúng quy định của pháp luật:

Công ty TNHH Song Vũ, Công ty TNHH Bích Lâm sản xuất nước tinh khiết có sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại có khả năng lọc, chống và diệt khuẩn tốt, sử dụng các máy lọc ozon, tia UV, có phòng sang triết, tra bình hợp vệ sinh hay bếp ăn của Khách sạn 30-4, Khách sạn Hoà Bình, Nhà hàng Hải Đăng và một số bếp ăn tập thể của Trường Mầm non Hoa sen, Trường Mầm non Lê Hồng Phong, Trường Mầm Non thị trấn Quế có sử dụng bếp ăn tập thể hợp vệ sinh, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cơ sở này đảm bảo việc sử dụng người lao động đã được đào tạo, tập huấn về VSATTP, dụng cụ làm bếp sạch sẽ an toàn, nhà ăn xa khu vệ sinh, có tủ bảo ôn để bảo quản thực phẩm...

Bên cạnh những cơ sở thực hiện tốt thì vẫn còn nhiều cơ sở không đảm bảo yêu cầu VSATTP với các vi phạm chủ yếu: Chưa tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và tập huấn về kiến thức VSATTP theo nghề, thực hành vệ sinh cá nhân, trang bị bảo hộ chưa thực hiện nghiêm túc, không thực hiện giám sát chất lượng nước định kỳ theo quy định, không có hợp đồng trách nhiệm mua bán thực phẩm, chưa có tủ lưu mẫu thức ăn trong ngày...

Để xảy ra các vi phạm trên, phần lớn thuộc về các cơ sở chế biến thực phẩm là hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ điều kiện về VSATTP.

Một bộ phận không nhỏ người kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận nên ít quan tâm tới việc bảo đảm các yêu cầu về VSATTP.

Trong khi đó, mạng lưới cán bộ làm công tác VSATTP nói chung và cán bộ làm công tác thanh tra về VSATTP nói riêng còn thiếu cả về chất lượng và số lượng. Không những thế, hoạt động kiểm tra hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm còn chồng chéo, hành lang pháp lý cũng như dụng cụ, phương tiện chuyên dụng phục vụ kiểm tra chưa đủ mạnh, hiện đại đảm bảo nhanh và có tính chính xác cao.

Việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa nghiêm. Nhận thức của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, tồn tại một số thói quen ăn uống mất vệ sinh và phong tục tập quán lạc hậu. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm hầu hết còn ở quy mô nhỏ, thủ công lạc hậu nên việc thực hiện các quy định về VSATTP gặp nhiều khó khăn.

Để công tác VSATTP trong thời gian tới đạt kết quả cao, hưởng ứng chủ đề Tháng Hành động về VSATTP năm nay là “Sản xuất - Kinh doanh - Sử dụng thực phẩm theo Luật ATTP” cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền, các cấp đối với công tác bảo đảm ATTP, giáo dục truyền thông về ATTP như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp, đưa chỉ tiêu bảo đảm thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, coi đây là chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện.

Đẩy mạnh huấn luyện, tổ chức tập huấn triển khai thực hiện các nội dung của Luật ATTP, các quy định về ATTP, thực hành tốt ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP, thực hiện quản lý ATTP toàn diện xuyên suốt “từ trang trại đến bàn ăn”. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý Nhà nước về công tác VSATTP như củng cố hệ thống quản lý an toàn từ tuyến tỉnh đến cơ sở, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ngành liên quan. Tổ chức thanh kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử lý nghiêm các vi phạm về VSATTP.

Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, tư vấn và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: GMP, GHP, HACCP... Tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09/3/2006 của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng các thành tựu khoa học vào lĩnh vực VSATTP.

Xã hội hóa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, kêu gọi và huy động toàn xã hội tham gia vào công tác VSATTP. Tăng cường đầu tư các nguồn lực cho công tác đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, các cơ sở tham gia chế biến thực phẩm cũng cần  thực hiện  nghiêm túc Luật ATVSTP và các văn bản liên quan, nâng cao trách nhiệm cá nhân thủ trưởng đơn vị, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, vật lực cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông thực phẩm.

Thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh  thực phẩm do các cơ quan chức năng tổ chức. Về phía người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, cũng như các thành phần có trong thực phẩm, từ bỏ thói quen ăn uống mất vệ sinh và những phong tục ăn uống lạc hậu ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.

Theo Hồng Lê/thanhtra.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
45
Tổng truy cập:
5329031