Xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm: Giơ cao đánh khẽ (25/01/2019)

Gần Tết, nhu cầu thực phẩm của người dân tăng cao. Bên cạnh sự băn khoăn về giá cả, người tiêu dùng cũng đang phải bận tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm, bởi lâu nay những vi phạm ở lĩnh vực này là rất phức tạp, trong khi việc xử lý chưa thực sự mạnh tay.


Cùng với băn khoăn về giá, người tiêu dùng phải đối mặt với vấn đề ATVSTP. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nhập nhằng nguồn gốc

Tại hệ thống siêu thị cũng như các chợ dân sinh, thực phẩm được bày bán với đủ màu sắc, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Trong đó có rất nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cảnh báo của các chuyên gia, việc lạm dụng màu thực phẩm công nghiệp và những chất phụ gia bị cấm vì có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Mới đây, ngày 10/1, lực lượng chức năng Hà Nội đã bắt giữ một vụ buôn lậu hàng tấn bánh kẹo dành cho trẻ em giả nhãn mác Thái Lan, Hàn Quốc. Theo khai nhận của người vận chuyển, số bánh kẹo này có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có nhiều loại dành cho trẻ em, dưới dạng kẹo cao su, nhưng khi mở ra lại có mùi hắc xộc lên rất mạnh.

Cùng thời điểm này, cơ quan quản lý thị trường  (QLTT) Hà Nội cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh kẹo tại xã La Phù (huyện Hoài Đức). Tại đây đoàn kiểm tra đã phát hiện dây chuyền làm bánh kẹo không đảm bảo vệ sinh, sử dụng nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc và nhái các thương hiệu nổi tiếng. Thời điểm kiểm tra, doanh nghiệp vẫn đang tiến hành sản xuất, đóng gói các loại bánh quy. Dù điều kiện sản xuất mất vệ sinh, nhưng doanh nghiệp này vẫn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) và xác nhận công bố chất lượng để đưa hàng ra thị trường từ nhiều năm nay.

Đại úy Hoàng Thị Việt Hà- cán bộ Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội cho hay, lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại, nhất là thực phẩm và bánh kẹo của người tiêu dùng, một số đối tượng đã đặt hàng từ bên kia biên giới, ghi sai về nguồn gốc xuất xứ để đưa về thị trường trong nước bán cho người dân.

Qua đợt kiểm tra vừa qua tại La Phù, ước tính có khoảng gần 2 tấn bánh kẹo tại cơ sở nói trên đã bị thu giữ. Như vậy, mất tiền để mua bánh kẹo ngoại nhưng người dùng có thể phải nhận quả đắng khi mua phải những bánh kẹo nhập lậu, giả nhãn mác xuất xứ, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, vì không có cơ quan nào kiểm tra, giám sát về chất lượng.

Dạo một vòng quanh một số chợ bán buôn của Hà Nội như: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đường, Ngõ Gạch… sẽ thấy các loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải bày bán công khai theo cân, lạng. Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả, thịt lợn, gà, xúc xích hun khói cũng được bày bán tràn lan , được quảng bá là sản xuất thủ công, gia truyền. Nhưng  tất cả đều có đặc điểm chung “3 không”: Không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, ngày 23/1, đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm do bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng Ban Quản lý ATVSTP thành phố làm trưởng đoàn đã kiểm tra chợ đầu mối Bình Điền. Đoàn tiến hành kiểm tra, lấy mẫu một số loại cá.  Trước đó, ghi nhận từ các đợt kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng thiếu VSATTP đối với thực phẩm tươi sống. Điển hình, trường hợp hộ kinh doanh phụ phẩm bò trên đường Nguyễn Thị Kiểu (quận 12).

Theo đó, Đội Quản lý ATTP liên quận - huyện (quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) phối hợp cùng các đơn vị phát hiện 3 thùng nhựa lớn đựng sách bò đã chuyển hẳn sang màu đen, bốc mùi hôi thối ngâm trong nước trắng đục. Kiểm tra tủ đông, đoàn phát hiện nhiều kg phổi, gan bò chảy dịch, bốc mùi hôi. Trước đó, đoàn của Ban Quản lý ATVSTP thành phố cũng kiểm tra chất lượng, xuất xứ thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho hay, trung bình mỗi ngày, lượng hàng về chợ này là gần 3.700 tấn, trong đó, có 15% sản phẩm nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc, dưới 10% nông sản đạt các chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Liên quan đến thực phẩm trong ngày Tết, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh thông tin, từ ngày 2 - 9/1, lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra nhiều điểm bán thực phẩm Tết, đã  tạm giữ 1.146 kg nhãn khô, vải khô, hạt đười ươi khô, la hán quả khô, cẩu kỷ tử khô, bông cúc khô, táo tàu khô, dầu ăn,.. không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ tạm giữ. Đối với mặt hàng bánh kẹo, lực lượng QLTT thành phố thu giữ 54.731 đơn vị sản phẩm kẹo dẻo, bánh xốp, kẹo hình kèn, kẹo hình son, kẹo hình nến; kẹo hình trứng, kẹo hình sỏi, kẹo hương trái cây.


Mua sắm hàng hóa chuẩn bị Tết. Ảnh: Quang Vinh.

Xử lý vi phạm: Giơ cao đánh khẽ?

Vì sao thực phẩm “bẩn” vẫn tồn tại?  Băn khoăn này cũng không quá khó để lý giải. Đơn cử như ghi nhận ngay tại TP Hà Nội, nhiều vụ vi phạm ATVSTP đã bị phát hiện thời gian qua. Nhưng điều đáng lo ngại là việc xử phạt vẫn còn lỏng tay. Nói cách khác, việc xử lý vi phạm VSATTP hiện vẫn đang trong tình trạng “giơ cao đánh khẽ”.

Mới đây nhất, ngày 17/1 thực hiện Kế hoạch số 230/KH-UBND của UBND TP Hà Nội, quận Thanh Xuân đã xây dựng kế hoạch, thành lập 14 đoàn liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kết quả, trong tổng số 322 cơ sở được thanh tra, kiểm tra từ đầu tháng 1/2019 đến nay, phát hiện 64 cơ sở có vi phạm. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng liên ngành của quận chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 42,25 triệu đồng. 48 cơ sở còn lại có vi phạm (chiếm tỷ lệ 75%) chỉ bị... nhắc nhở. Tỷ lệ này thấp hơn khá nhiều so với mức xử phạt vi phạm chung của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Quận Cầu Giấy cũng đã xây dựng kế hoạch, thành lập 10 đoàn kiểm tra liên ngành cấp quận, phường và 1 đoàn của Ban Chỉ đạo 389. Từ cuối tháng 12/2018 đến nay, các đoàn đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm tại 321 cơ sở. Kết quả, phát hiện 216 cơ sở có vi phạm (chiếm tỷ lệ 67,2%). Các đơn vị chức năng liên ngành của quận Cầu Giấy đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đối với 130 cơ sở, với tổng số tiền 440 triệu đồng. 76 cơ sở còn lại có vi phạm nhưng chỉ bị nhắc nhở.

Tăng cường giám sát

Trước nguy cơ các loại hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi nổi trên thị trường dịp Tết, đe dọa sức khỏe người dân, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho hay, trong dịp Tết Nguyên đán, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung vào những mặt hàng được người dân sử dụng nhiều như bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt, cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Việc kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.

Còn ông Chu Xuân Kiên - quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho hay, các đội QLTT sẽ tập trung kiểm tra theo phân công quản lý địa bàn, đặc biệt là các làng nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các khu - cụm công nghiệp tập trung, chợ đầu mối. Nhằm phòng tránh nguy cơ liên quan đến ngộ độc rượu, rượu cồn công nghiệp ethanol vì nhu cầu sử dụng rượu dịp cuối năm tăng đột biến, Chi cục QLTT Hà Nội cũng yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn thành phố nắm chắc diễn biến thị trường, điều tra cơ bản và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng… Cùng với đó là việc tăng cường tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng “nhờn luật”.

Một đợt kiểm tra mới đây do cơ quan chức năng quận Thanh Xuân (Hà Nội) thực hiện cho thấy, trong tổng số 322 cơ sở được thanh tra, kiểm tra từ đầu tháng 1/2019 đến nay, phát hiện 64 cơ sở có vi phạm. Mặc dù vậy, cơ quan chức năng liên ngành của quận chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với 16 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 42,25 triệu đồng. 48 cơ sở còn lại có vi phạm (chiếm tỷ lệ 75%) chỉ bị... nhắc nhở.

* Giám sát chặt giá và ATVSTP

Ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) cho biết, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán 2019. Theo đó, sẽ kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo ATVSTP... không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Đặc biệt, nhằm siết VSATTP, cơ quan này đã yêu cầu các địa phương tăng cường tập trung lực lượng kiểm tra khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố. Tập trung vào các mặt hàng: Rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh...

Theo Nhóm Phóng viên/daidoanket.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
82
Tổng truy cập:
5312087