Khôi phục và phát huy các mô hình, làng nghề chế biến nước mắm để hướng tới xuất khẩu (25/06/2022)

Đó là một trong những giải pháp được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra tại hội thảo "Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm, định hướng và giải pháp".


Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Hội thảo do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức chiều 24/6, tại Hà Nội.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, ngày nay, nước mắm không chỉ phục vụ nhu cầu yêu cầu của người dùng trong nước mà còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, mở ra cánh cửa quảng cáo văn hóa, ẩm thực Việt Nam với bạn bè quốc tế, mang lại lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Ngành hàng nước mắm Việt Nam những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất cũng như tiêu chuẩn kiểm định của thị trường quốc tế. Cả nước hiện có hơn 4.200 cơ sở sản xuất nước mắm với sản lượng trung bình trong năm 2020 đạt gần 380 triệu lít, nhưng sản lượng xuất khẩu còn rất thấp.

Mặt khác, nước mắm Việt Nam phải cạnh tranh với thị phần sản phẩm nước mắm của các nước khác nên sản lượng xuất khẩu còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Việc đưa ra các định hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Vũ Hải

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để phát triển vững chắc ngành hàng nước mắm phục vụ xuất khẩu cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, dụng cụ chứa đựng trong quá trình sản xuất, chế biến nước mắm. Áp dụng các chương trình quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất nước mắm. Quan tâm hơn nữa đến bao bì, nhãn mác sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Một trong những giải pháp được Thứ trưởng đề cập là: "Khôi phục và phát huy các mô hình, làng nghề chế biến nước mắm có giá trị truyền thống lâu đời, xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu nước mắm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP…. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có cơ chế xử lý nghiêm với các hành vi lạm dụng sử dụng hóa chất, phụ gia trong chế biến”.

Cũng theo Thứ trưởng, hiện cả nước mới có 17 cơ sở sản xuất nước mắm trong danh sách xuất khẩu đi các thị trường, trong đó 17/17 cơ sở đều có mức xếp hạng an toàn thực phẩm đạt yêu cầu theo quy định hiện hành. Xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỷ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Trong đó, thị trường châu Á chiếm hơn 54%, châu Úc chiếm hơn 18%, châu Âu hơn 13% và châu Mỹ hơn 13%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nước mắm năm 2021 đạt 28,53 triệu USD.

Cần thiết phải có một đề tài nghiên cứu đánh giá rủi ro, nguy cơ histamin trong nước mắm, để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nước mắm", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặt vấn đề.

Còn theo Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Lê Thanh Hòa, xuất khẩu nước mắm bình quân cả nước mới đạt tỉ lệ khoảng 12,6% so với tổng sản lượng. Để phát triển bền vững phục vụ xuất khẩu, cần đảm bảo nguồn nguyên liệu cả về số lượng và chất lượng, tổ chức các đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm”.

Đồng thời, “cần nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm; đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường. Từng bước xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam", ông Hòa phân tích.

"Rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận và mở cửa thị trường xuất khẩu là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề dư lượng", ông Lê Thanh Hòa nhận định và cho rằng, song song với việc đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu, thì việc đẩy mạnh nghiên cứu thị hiếu, mở rộng thị trường xuất khẩu với sự đa dạng về chủng loại nước mắm; đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc, cũng như xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước mắm Việt Nam cũng là vấn đề được đặt ra. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động đội tàu chuyên khai thác cá làm mắm, ướp muối ngay trên tàu để bảo đảm chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến nước mắm.


PGS.TS Trần Đáng trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí. Ảnh: Vũ Hải

Trao đổi về giải pháp kết nối các đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học để có những dự án giúp các doanh nghiệp sản xuất nước mắm gia tăng hiệu suất thu hồi đạm, có sản phẩm nước mắm chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế, ông Trần Đáng, chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam bày tỏ rằng, phải phát triển ngành hàng nước mắm giống như ngành hàng rượu vang của một số nước trên thế giới. Có kết hợp giữa khoa học và truyền thống, giữa tinh hoa lâu đời và thước đo công nghệ chính xác để cho ra hàng triệu chai nước mắm ngon có chất lượng.

Để làm được điều đó yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nước mắm cần đầu tư kinh phí để thay đổi công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HARPC, HACCP, ISO 22000… nhằm đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường Hoa Kỳ, Australia, EU.... Bên cạnh đó, cần đầu tư, nghiên cứu đa dạng mẫu mã, bao bì cho sản phẩm sang trọng, tiện lợi, hấp dẫn.

Dưới góc nhìn văn hóa ẩm thực và khoa học - công nghệ, GS. TS Lưu Duẩn - Trưởng ban tư vấn Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm cần sự hợp sức của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các hiệp hội nước mắm cũng như các cá nhân, nhà khoa học trong việc kết nối và tìm ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao.


GS.TSKH Lưu Duẩn báo cáo chuyên đề "Đẩy mạnh xuất khẩu nước mắm dưới góc nhìn văn hóa ẩm thực và Khoa học - Công nghệ". Ảnh: Vũ Hải

GS. TS Lưu Duẩn cho biết, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam trong Đề án xây dựng và phát triển các món ăn thuần Việt thành thương hiệu quốc gia nhằm giúp nước mắm, các sản phẩm chế biến từ nước mắm, các thương hiệu nước mắm có vị trí xứng đáng.

“Hai Hiệp hội nghiên cứu lên kế hoạch tổ chức các Lễ hội nước mắm để giới thiệu “dòng chảy” văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt tới khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tất cả các hoạt động trên cần được quảng bá rộng rãi thông qua việc công bố công trình khoa học về nước mắm Việt Nam hoặc tham gia các Hội nghị - Hội chợ thực phẩm lớn trên thế giới”, GS. TS Lưu Duẩn chia sẻ.

Theo: thunghiemngaynay.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
63
Tổng truy cập:
5825362