Nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể (02/11/2023)

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP), thanh kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể vi phạm ATTP.

Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc tập thể

Sau khi ăn cơm trưa tại trường và bữa phụ buổi chiều, nhiều trẻ tại trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn có triệu chứng đau bụng, buồn nôn,... có 3 trường hợp phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/10, trường Mầm non xã Hòa Bình (huyện Văn Quan) có 27/31 trẻ đến lớp. Các bé uống sữa buổi sáng, ăn cơm buổi trưa với thực đơn gồm thịt lợn xay rim cá hộp; canh bí nấu thịt lợn băm. Khoảng 14 giờ cùng ngày, trẻ ăn cháo bí đỏ nấu với thịt.


Nhân viên y tế thăm khám cho trẻ trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Đến hơn 16 giờ, sau khi đón trẻ về nhà, có 17 phụ huynh phản ánh trẻ có triệu chứng đau bụng buồn nôn. Trong đó 3 trường hợp có biểu hiện nặng được đưa vào Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Quan để theo dõi, điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm. Sau gần 2 ngày, sức khỏe của trẻ đã ổn định.

Ngay sau đó, Đoàn công tác của Chi cục ATVSTP về làm việc tại trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, có 10/17 trẻ đã ổn định sức khỏe, đến lớp bình thường; 4 trẻ còn lại có triệu chứng tương tự được theo dõi ở nhà. Đoàn đã lấy mẫu thức ăn về và chuyển sang CDC để xét nghiệm, qua đó tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, cuối tháng 9/2023, 28 học sinh lớp 4A1 trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) tiểu học có biểu hiệu nôn ói, đau bụng, tiêu chảy phải vào viện cấp cứu sau khi liên hoan Trung thu do phụ huynh tổ chức tại lớp học. Các em được cấp cứu tại TTYT huyện Tiền Hải, Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải (Thái Bình) với biển hiện nghi ngộ độc thực phẩm.

Vụ việc xảy ra vào trưa 28/9, phụ huynh học sinh lớp 4A1 trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải tổ chức tiệc liên hoan Trung thu cho 37 học sinh trong lớp. Thực phẩm sử dụng trong bữa liên hoan gồm bánh bông lan trứng muối cùng một số đồ ăn khác. Trong bữa liên hoan này, 28 học sinh ăn bánh bông lan trứng muối và 9 học sinh không ăn. Đến chiều cùng ngày, một số học sinh có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt.


Bác sĩ thăm khám cho trẻ bị ngộ độc do ăn bánh bông lan trứng muối.

28 học sinh có ăn bánh bông lan trứng muối đều có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm, trong đó, 25 học sinh phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải, 3 học sinh khác có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.

Cơ quan chức năng đã thu thập một mẫu thực phẩm là phần bánh bông lan còn lại sau bữa liên hoan cùng 4 mẫu bệnh phẩm là chất nôn và phân của học sinh bị ngộ độc. Một mẫu ruốc chà bông là nguyên liệu để phủ lên mặt bánh lấy tại cơ sở sản xuất bánh gửi Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu ngày 28/9 cho thấy, nguyên nhân gây ngộ độc cho học sinh là do bánh bông lan trứng muối bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.

Tương tự, hồi cuối tháng 3/2023, sự cố ATTP tại trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 72 học sinh nhập viện là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn trưa (Cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô) sau khi đi dã ngoại.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 10 cả nước xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 261 người bị ngộ độc (6 người tử vong). Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 93 vụ với 1.617 người bị ngộ độc, 21 người tử vong. Trong số này, không ít vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các DN và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: Tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các DN để tổ chức bếp ăn.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát ATTP, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh.

Đề cập đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho hay, qua kiểm tra các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn Hà Nội thời gian qua cho thấy, hầu hết các trường đều chấp hành tốt quy định về bảo đảm ATTP, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực.

Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường học vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Để bảo đảm ATTP bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, ATTP. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại đơn vị cung cấp.

Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP tại bếp ăn tập thể. Trong đó, tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người, chú trọng truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm.

Kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể

Nói về vi khuẩn tụ cầu vàng, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus (MRSA) kháng methicillin) là do một loại vi khuẩn tụ cầu kháng với nhiều loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn thông thường.

Trong các bệnh nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng gây ra bệnh nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc là những bệnh rất nặng. Hai bệnh này thường có liên quan với nhau, có diễn biến lâm sàng rất nặng và phức tạp, chiếm tỷ lệ khoảng 30 - 40% các trường hợp.


Học sinh trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội)  điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã được ra viện.

Nhiễm trùng tụ cầu khuẩn là do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Những loại vi trùng này thường được tìm thấy trên da hoặc trong mũi của nhiều người khỏe mạnh. Hầu hết thời gian, những vi khuẩn này không gây ra vấn đề gì hoặc gây nhiễm trùng da tương đối nhỏ. Nhưng nhiễm trùng tụ cầu khuẩn có thể gây tử vong nếu vi khuẩn xâm nhập sâu hơn vào cơ thể bạn, xâm nhập vào máu, khớp, xương, phổi hoặc tim.

Ngày càng có nhiều người khỏe mạnh bị nhiễm tụ cầu khuẩn đe dọa tính mạng. Theo chuyên gia, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine đặc hiệu để phòng các bệnh do vi khuẩn tụ cầu gây ra.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết, trong chủng vi khuẩn tụ cầu, phổ biến nhất là tụ cầu vàng. Mọi người dân đều có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng.

Thức ăn khi bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ gây ra ngộ độc. Khi con người bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng chủ yếu nguy hiểm là do độc tố của vi khuẩn này. Độc tố này khi vào cơ thể làm cho toàn bộ hệ thống tiêu hóa bị tê liệt, ảnh hưởng đến chức năng thần kinh.

Theo PGS.TS Trần Đáng, biểu hiện của việc ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn tụ cầu vàng gồm: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, suy nhược thần kinh, chóng mặt, nhức đầu… Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 2- 4 giờ, chậm nhất đến 12 giờ.

Các bệnh nhân bị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng, với trường hợp nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, có thể dẫn đến tử vong. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất là: Sữa, thịt băm, thịt gia súc, gia cầm, tất cả chất đạm (có thể chế biến nấu nướng), …

“Khi những thực phẩm này nếu không được bảo quản hoặc bảo quản không đúng cách, để bị ôi thiu dễ nhiễm tụ cầu vàng. Đặc biệt, tụ cầu vàng còn tồn tại rất nhiều trong cơ thể con người. Loại vi khuẩn này thường ẩn nấp trong mũi, miệng, mắt, tay, nách… Do đó, nguy cơ dễ nhiễm vào trong các loại thực phẩm” - PGS.TS Trần Đáng cảnh báo.

Đồng quan điểm, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất cứ món ăn nào, thậm chí, cả trong nước uống.

Quá trình lựa chọn thực phẩm dù rất tốt, tươi sống, đảm bảo ATTP nhưng vẫn có thể nhiễm vi khuẩn từ nhà bếp tới bàn ăn. Trong trường hợp các học sinh bị nhiễm tụ cầu thời kỳ ủ bệnh thường ngắn từ 30 phút đến 6 giờ. Triệu chứng là đột ngột đau bụng dữ dội và nôn nhiều, thường xuất hiện sớm trước khi bị tiêu chảy.

Một số trường hợp không bị tiêu chảy, không sốt hoặc sốt rất nhẹ. Biểu hiện nặng nhất có thể mất nước nhiều dẫn đến trụy tim mạch, thường gặp ở trẻ nhỏ và người già yếu, người có miễn dịch kém. 

Qua đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, để hạn chế ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể trong trường học, mỗi người cần thực hiện các điều kiện quy định chặt chẽ về ATTP trong kinh doanh dịch vụ ăn uống như nguồn nguyên liệu, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm. Phụ huynh cũng cần tăng cường giám sát chuỗi thực phẩm, quy trình chế biến bởi đây là quyền lợi, giúp đảm bảo an toàn cho con.

 

Các bếp ăn tập thể, bếp ăn phục vụ đông người tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn. 80% các vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể có thể do vi sinh vật như tụ cầu vàng, E.coli, Salmonella...

Khi ăn, người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần; thậm chí, một số trường hợp có thể bị đau đầu, hôn mê… Nếu không được cấp cứu, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, người bị ngộ độc thực phẩm có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Đặc biệt, tại các bếp ăn tập thể, nếu môi trường không bảo đảm vệ sinh, vi khuẩn từ đất, nước, không khí ô nhiễm có thể xâm nhập vào dụng cụ chứa đựng, chế biến thức ăn. Nếu người chế biến thực phẩm không mang găng tay, để thực phẩm sống và chín gần nhau, dùng chung dao thớt cũng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc.

TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Theo: kinhtedothi.vn
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
32
Tổng truy cập:
5337543