Bộ Y tế họp khẩn trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch cúm H7N9 (24/02/2017)

Trước diễn biến dịch cúm gia cầm phức tạp tại Trung Quốc, chiều 20/02/2017, Văn phòng đáp ứng dịch bệnh khẩn cấp (EOC) - Bộ Y tế, đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H7N9 tại 4 điểm cầu: Cục Y tế dự phòng; Viện Paster TP. Hồ Chí Minh; Viện Paster Nha Trang và Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng tại Hà Nội; cùng tham dự tại điểm cầu Hà Nội còn có đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Cục Quân Y – Bộ Quốc Phòng, Cục Y tế  - Bộ Công An, đại diện các tổ chức quốc tế WHO, FAO; các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương và Hà Nội đã về dự và đưa tin.


GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết tình hình dịch cúm A/H7N9 đang lây lan rộng tại Trung Quốc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là đợt dịch thứ 5 kể từ đợt dịch đầu tiên ghi nhận năm 2013 của dịch cúm A/H7N9 và cũng là đợt dịch lớn nhất nhất từ trước đến nay. Chỉ tính từ tháng 10/2016 tới 19/02/2017, tổng số đã có 425 trường hợp mắc được ghi nhận (nhiều nhất so với 4 đợt dịch trước đó) và hiện số mắc vẫn đang gia tăng rất nhanh, địa bàn có dịch đang lan rộng. Trên 90% bệnh nhân mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, trong đó 35% là người làm nông nghiệp, 10% làm nội trợ.

Ở Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh mắc cúm A/H7N9, A/H5N8, A/H5N1 trên người song vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H5N1, H5N6 trên gia cầm. Riêng cúm A/H5N1, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm tại 3 xã ở 3 tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An và Nam Định. Tuy nhiên nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập Việt Nam thời điểm này là hoàn toàn có thể_ Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh


Quang cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Diễm Châu - Nghệ An và 1 ổ dịch ở Bạc Liêu, 1 ổ tại Diễn Châu -Nghệ An, 1 ổ dịch H5N6 xảy ra 1 ổ dịch ở xã Phổ Cường – Huyện Đức Phổ - Quảng Ngãi. Riêng trong ngày 20/2/2017 đã ghi nhận ổ cúm gia cầm tại 3 hộ gia đình thuộc xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Chính quyền tại đây đã tiêu hủy 4.600 con vịt (mắc dịch cúm A/H5N1 từ ngày 15-2). UBND huyện Trực Ninh đã ra quyết định công bố dịch trong ngày 20/2/2017. Với dịch cúm A/H5N6, đầu năm 2017 đã ghi nhận ổ dịch tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Cũng theo Chi cục Thú y Hà Nội , ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng cho biết: tình hình chăn nuôi gia cầm ở thành phố vẫn ổn định với tổng đàn 26 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi vẫn ở dạng nhỏ lẻ (chiếm khoảng 70%), tự phát trong khu dân cư nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Ý thức người dân cũng còn hạn chế như: Khi nhập con giống về chăn nuôi chưa khai báo đầy đủ với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quản lý đàn vật nuôi, nguồn gốc của vật nuôi, nguồn gốc dịch bệnh. Khu vực chăn nuôi bị ô nhiễm, không bảo đảm vệ sinh cũng khiến dịch bệnh phát sinh nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Hiện nay 12 điểm kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc và đến nay chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 trên người. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh H7N9, tới đây ngành Y tế sẽ gia tăng hoạt động giám sát trên người, đặc biệt là ở khu vực có nhiều khách du lịch như Nha Trang, các khu vực giáp với vùng biên giới Trung Quốc.

Ngành sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ được lấy mẫu giám sát thay vì như trước đây là chỉ xét nghiệm đối với những trường hợp nặng.


Các điểm cầu tham dự Hội nghị trực tuyến

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Hiện dịch cúm gia cầm chưa có bằng chứng rõ ràng lây từ người sang người. H7N9 không lây chết trên gia cầm do vậy, việc giám sát chủ động nhiễm H7N9 trên người là rất quang trọng. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát việc vận chuyển gia cầm du nhập vào Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch cúm gia cầm tại Việt Nam trong thời gian tới là hoàn toàn có thể vì bên cạnh các yếu tố nguy cơ khác, vấn đề buôn bán, nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc vẫn chưa thực sự được ngăn chặn tại nước ta.

Để phòng ngừa, cần thiết phải khoanh vùng ổ dịch, giám sát gia cầm và sản phẩm từ gia cầm một chặt chẽ, tăng cường mở rộng giám sát, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, tập trung với những người có yếu tố nguy cơ như người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm,… Chú trọng giám sát các tỉnh có đường biên giới, có sự giao lưu thương mại nhiều đối với Trung Quốc.

Thứ trưởng yêu cầu ngành y tế cần rà soát lại các tình huống phòng chống dịch, trong đó bao gồm các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ, cập nhật thêm các thông tin để chủ động phòng chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, truyền thông cần phải được ưu tiên.

Truyền thông quyết liệt cho người dân, người buôn bán, sử dụng, giết mổ gia cầm,… để họ hiểu, nâng cao ý thức chủ động phòng chống dịch cho bản thân và cho cộng đồng. Bên cạnh đó cần tiếp tục tập huấn cán bộ, bổ sung đầy đủ cơ sở, trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác điều trị cần được quan tâm ngay từ bây giờ để sẵn sàng cho mọi tình huống. Ngoài ra cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ/Ngành trong việc chia sẻ thông tin và thực hiện các phương pháp ngăn chặn, phòng chống dịch.

Trước diễn biến phức tạp về dịch cúm gia cầm tại Trung Quốc cũng như nhưng nguy cơ bùng phát tiềm ẩn, nguy cơ lây lan,  xâm nhập vào nước ta Thứ trưởng đề nghị các địa phương ngay sau cuộc họp này phải mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ; Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng; tăng giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch như Nha Trang, các khu vực biên giới với Trung Quốc.

Đồng thời, mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, sẽ tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, ưu tiên người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm, chợ nhỏ lẻ, đầu mối…

Ban biên tập CTTĐT-BYT

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
91
Tổng truy cập:
5315237