Làm sao mua thực phẩm online an toàn? (27/06/2018)

Trước nhiều vấn nạn mua bán thực phẩm trên mạng, nhiều chuyên gia cho rằng cần chế tài xử phạt mạnh và nâng cao kiến thức người mua.

Tăng cường giám sát

Nói về việc mua bán thực phẩm trên mạng điện tử trong thời gian qua, TS Nguyễn Văn Phước - Viện Công nghiệp Thực phẩm nhận xét, không thể phủ nhận tiện ích từ việc mua bán online nhất là trong thời buổi hiện đại, một chiếc máy tính trước mặt là bày ra cả thế giới như ngày nay.

"Việc mua bán thực phẩm online không thể ngăn cấm vì nhu cầu của người dân quá cao. Chính vì thế, cơ quan chuyên trách phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ để việc mua bán này không bị biến tướng, gây ảnh hưởng xấu cho người tiêu dùng" - ông Phước nói.

Theo ông Phước, thời gian qua có nhiều người phản ánh tình trạng mua hàng trên mạng thường gặp phải tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hết date, hàng không giống như hình ảnh, lời quảng cáo của người.


Việc mua bán thực phẩm online đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập

Thực tế, loại hình kinh doanh thực phẩm qua mạng này không khác gì thức ăn đường phố. Đối với các mặt tươi sống như rau, thịt, người tiêu dùng không thể kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, không có bằng chứng để chắc chắn sản phẩm này được nhập từ một cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn. Đối với các món ăn được chế biến sẵn lại càng khó đảm bảo an toàn thực phẩm hơn, bởi sản phẩm được chế biến ở các cơ sở nhỏ lẻ, không đủ điều kiện để sản xuất thức ăn với số lượng lớn.

Ông Phước cho rằng, Bộ Công thương có quy định mọi hoạt động kinh doanh qua mạng sẽ phải kê khai thông tin và đóng thuế. Do đó, cơ sở kinh doanh phải cung cấp thông tin gồm: tên, trụ sở thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú cá nhân cùng các chứng thực đăng ký kinh doanh của cá nhân từ năm 2015 nhưng chưa được các cơ quan ban ngành thực hiện triệt để.

Vị chuyên gia thực phẩm này nói: "Các cửa hàng kinh doanh thực phẩm online hiện nay chủ yếu là tự phát, người bán thường không có chuyên môn trong vấn đề bảo quản và vận chuyển thực phẩm. Trong khi đó, người mua đang đứng trước cơn khủng hoảng "thực phẩm bẩn" ở khắp nơi nên chỉ cần nghe ở đâu có thực phẩm sạch, đồ miền quê tự trồng, tự chăm là mua theo nhóm mà không cần phải đắn đo nhiều.

Chính vì thế, cơ quan chức năng cần phải thêm chế tài đối với những người kinh doanh online như bắt buộc việc đăng bán sản phẩm phải kèm theo hình ảnh giấy chứng nhận chất lượng, giấy đăng ký kinh doanh hoặc nguồn gốc của sản phẩm".

Để làm được điều này, theo ông Phước cần có sự vào cuộc của không chỉ đơn vị phụ trách an toàn thực phẩm mà cả đơn vị an ninh mạng. "Nếu phát hiện người nào bán thực phẩm online vi phạm quy định cần báo cáo khóa tài khoản, trang thông tin và xử phạt nghiêm" - ông Phước nói.


Nhiều cửa hàng đua nhau kinh doanh thực phẩm sạch qua mạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng

Cốt lõi là đạo đức kinh doanh

Một trong những giải pháp giải quyết nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng buôn bán trên mạng cũng được nhiều chuyên gia chỉ ra là phải cản thiện đạo đức kinh doanh của người bán.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) chỉ ra rằng, xu hướng bán hàng quê qua mạng đang vô tình tạo ra một số đầu nậu mới; gom hàng trôi nổi rồi gắn mác hàng quê bán giá cao gấp đôi.

Người bán nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng, bất chấp lợi nhuận để làm điều trái với đạo đức kinh doanh.

"Ban đầu có thể người bán không chủ ý thu gom hàng trôi nổi về bán nhưng sau vì nhu cầu người tiêu dùng tăng cao, nguồn cung không đáp ứng đủ nên sinh ra làm liều" - ông Thịnh nói.

Chính vì thế, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức đạo đức kinh doanh cho người bán cũng là điều cần chú trọng. Ông Thịnh nhận định: "Để tác động tới ý thức của người bán thì việc ra các quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc với người bán thực phẩm online là điều cần thiết".

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp.

Nếu thực khách dễ dàng tin vào lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo an toàn” mà vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đây là vấn đề khó có thể ngay lập tức giải quyết được.

Theo Vân Mai/baodatviet.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
53
Tổng truy cập:
5264965