Quảng Ninh: Không có vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng nào xảy ra (17/07/2018)

Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm; đạt các chỉ tiêu kế hoạch, dự án chương trình mục tiêu ATVSTP.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp sơ kết công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Theo báo cáo của Sở Y tế - cơ quan thường trực BCH liên ngành về ATTP tại cuộc họp, hiện trên địa bàn tỉnh có 17.293 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 1.234 cơ sở sản xuất nuôi trồng nông lâm sản và thủy sản; 825 cơ sở sản xuất chế biến; 9.516 cơ sở kinh doanh; 4.502 cơ sở dịch vụ ăn uống; 1.216 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Phần lớn các cơ sở này do cấp huyện và cấp xã quản lý.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm; đạt hiệu quả các chỉ tiêu kế hoạch, dự án chương trình mục tiêu ATVSTP.

Kết quả này đã thể hiện sự nỗ lực của Quảng Ninh và phần nào đánh giá được hiệu quả công tác quản lý của các ngành, địa phương về vấn đề đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm.


UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức họp sơ kết công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018

Tuy nhiên, công tác quản lý ATVSTP vẫn còn những khó khăn, khi Quảng Ninh là tỉnh có nhiều cửa khẩu, địa hình phức tạp gây thách thức công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Một số hộ nông dân còn thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định; việc thực hiện các hoạt động kiểm soát ATVSTP chủ yếu diễn ra trực tiếp tại cơ sở cấp xã, phường, thị trấn, tuy nhiên cán bộ quản lý theo dõi còn thiếu, năng lực hạn chế. Hiện nay, phần lớn các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, thịt, gia cầm được vận chuyển từ các địa phương ngoài tỉnh đưa vào tiêu thụ thuộc nhóm hàng hóa không quy định phải ghi nhãn hàng hóa…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh biểu dương những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Đạt được những kết quả đó là do tỉnh đã tập trung làm công tác tuyên truyền cho người dân, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến…; mở nhiều lớp bồi dưỡng tuyên truyền hướng dẫn về ATVSTP. Tỉnh cũng chủ động tăng cường công tác thanh, kiểm tra ATVSTP, nhất là ở cấp xã đã phát huy tốt vai trò của mình, phát hiện nhiều đơn vị vi phạm; cương quyết tiêu hủy các sản phẩm không an toàn với số lượng lớn.

Liên quan đến những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Trong quý III, khách du lịch tăng cao, nhất là khách nội địa dự báo tăng mạnh, cùng với đó thời tiết diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, nhất là trong điều kiện Quảng Ninh đăng cai Năm du lịch quốc gia cũng như xây dựng thương hiệu du lịch an toàn, vì vậy các đơn vị, địa phương cần hết sức chú ý công tác đảm bảo ATVSTP. Các cấp, các ngành phải coi đảm bảo ATVSTP là công tác thường xuyên, kiên trì, cần được quan tâm.

Cùng với đó cần tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp bằng cách để doanh nghiệp tự đăng ký, tự công bố, tự chịu trách nhiệm về cấp giấy phép; cơ quan Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm hậu kiểm, trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất và xử lý các đơn vị vi phạm ATVSTP. UBND các xã, phường, thị trấn cần tăng cường kiểm tra ở cấp cơ sở, kết hợp kiểm tra nhiều vấn đề liên quan để thu được kết quả tốt nhất.

Đối với những khó khăn, vướng mắc về kinh phí chi cho hoạt động đảm bảo ATVSTP; biểu mẫu báo cáo, nội dung chuyên môn… đồng chí yêu cầu các thành viên BCĐ của tỉnh sớm có tham mưu đề xuất trực tiếp bằng văn bản với UBND tỉnh để ban hành văn bản hướng dẫn ngay, sớm triển khai những mô hình điển hình trong công tác đảm bảo ATVSTP. Cùng với đó các đơn vị, địa phương cần bám sát kế hoạch, văn bản đã chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác này; các sở, ngành và thành viên BCĐ, các địa phương cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở, sớm triển khai các hoạt động đảm bảo ATVSTP 6 tháng cuối năm.

Theo Trần Huyền/phapluatxahoi.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
128
Tổng truy cập:
5329031