Lỗ hổng an toàn thực phẩm trong trường học (24/12/2018)

Có thể nói thời gian qua cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực kiểm soát chất lượng thực phẩm, nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm cũng như tính chất vi phạm an toàn thực phẩm trên cả nước vẫn đáng lo ngại khi liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra với nhiều người mắc, từ vài chục đến vài trăm người.


Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP của TP Hà Nội đang kiểm tra thực phẩm trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: Nhật Nguyên

Khó!

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra khoảng 100 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với 15 trường hợp tử vong. Gần đây nhất, ngày 11/12, dư luận bàng hoàng về vụ NĐTP nghiêm trọng xảy ra ra trường Mầm non Xuân Nộn, Đông Anh khi liên tiếp có hơn 140 trẻ phải nhập viện.

Trước đó, ngày 5/10, tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ruốc gà làm 352 trẻ mắc/926 học sinh (chủ yếu lớp 1 và lớp 2) mắc phải với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn nghi do độc tố vi khuẩn…

Cũng xảy ra tại cơ sở giáo dục, ngày 3/10, tại Trường Tiểu học Bán trú Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) có hơn 170 học sinh bị đau bụng, buồn nôn, đi ngoài... phải đưa đi bệnh viện sau khi ăn bữa sáng do nhà trường tổ chức.

Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng công tác thanh tra Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế:

Những trường học có hàng ngàn học sinh, mỗi ngày cung cấp vài ngàn suất ăn trưa (chưa tính bữa phụ) thì dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm kể cả cấp tính và mạn tính (trường hợp thực phẩm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật). Do đó, Cục đang tiếp nhận thông tin 24/24 giờ hàng ngày tại các đường dây nóng số 0243.2321556 và 0911811556. Phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn, hãy gọi tới đường dây nóng. Cục sẽ thanh tra đột xuất ngay và có thể sẽ đến trực tiếp tại trường để kiểm tra mà không thông qua địa phương.

Nói về các vụ NĐTP xảy ra thời gian qua, ông Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm cho rằng, các vụ NĐTP xảy ra tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nên đã gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người. Do vậy, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở này là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi lãnh đạo các nhà trường cần đặc biệt quan tâm.

Phân tích nguyên nhân khiến các vụ NĐTP xảy ra với số lượng mắc cao, ông Trung nêu, ngoài yếu tố khách quan do khí hậu, thời tiết, nhiệt độ khiến thực phẩm dễ phát sinh yếu tố nguy hại thì nguyên nhân chính để xảy ra NĐTP thường là do khó kiểm soát thực phẩm “đầu vào” tại các trường học. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương, ban giám hiệu tại các trường học chưa sâu sát quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm, không nắm rõ hoạt động bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Nêu khó trong việc quản lý các bếp ăn trường học, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục quận Tây Hồ, TP Hà Nội cho biết, việc quản lý bếp ăn tại các cơ sở công lập được tiến hành thường xuyên song với nhóm trẻ tư thục thì khó khăn hơn do các nhóm trẻ nằm rải rác trên địa bàn rộng và nhiều cơ sở ở rất sâu trong khu dân cư. Nếu mỗi năm rà soát 1 lượt các cơ sở này quận cũng gặp khá nhiều khó khăn. Chưa kể, các nhóm trẻ do mức thu học phí không cao nên rất dễ bị đưa vào bếp ăn những thực phẩm không đảm bảo an toàn nếu không được kiểm soát. “Chưa kể, năm học 2017- 2018 giá thực phẩm tăng rất mạnh, các nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn thực phẩm”, ông Vũ nêu.

Còn bà Lê Thị Thúy Hồng, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Gia Lâm, TP Hà Nội cho rằng hiện kinh phí cho bữa ăn bán trú của học sinh trong 1 năm học là cố định, song giá thực phẩm trên thị trường thực tế lại lên xuống theo mùa, do vậy rất khó cho các nhà trường trong việc thống nhất với phụ huynh đảm bảo dinh dưỡng 4 mùa cho trẻ.

Với quan điểm chuyên gia dinh dưỡng, theo bác sỹ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, Tổng hội Y học Việt Nam, mặc dù hiện đã có nhiều cải thiện về dinh dưỡng tại các trường học, song nhiều trường chưa chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm học đường, chẳng hạn quy trình lưu mẫu thực phẩm chưa được coi trọng. Nhiều vụ NĐTP xảy ra nhưng khi kiểm tra mẫu lưu tại trường lại không có dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguyên nhân.

Không chỉ trông chờ đạo đức

Để hạn chế vấn nạn NĐTP xảy ra Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường tổ chức phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, quy trình điều tra xử lý NĐTP cho chủ cơ sở, người chế biến, người quản lý bếp ăn tập thể của các trường học.

Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Sở sẽ tăng cường xử phạt vi phạm tại các bếp ăn tập thể nhằm tăng sức răn đe và nâng cao trách nhiệm của cơ quan có bếp ăn tập thể. Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức thực hành của người chế biến, người sử dụng trong phòng, chống các nguy cơ về lây nhiễm và NĐTP.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nêu, thực hiện quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện đã tăng cao. Theo đó, mức xử phạt cao nhất với cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu đồng nếu vi phạm an toàn thực phẩm.

Một số trường hợp còn không có mức trần, nghĩa là phạt theo giá trị hàng hóa, có thể lên đến nhiều tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng xử phạt không đủ sức răn đe trước đây. Tuy nhiên, theo ông Phong, chỉ tăng cao mức phạt là chưa đủ, mà quan trọng là nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường các nguồn thực phẩm “sạch”.

Hà Nội: Kiểm soát chặt ATVSTP dịp Tết

Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ năm ngoái.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ngoài nguồn cung ứng tại chỗ, Hà Nội còn liên kết với nhiều địa phương để khai thác nguồn hàng đưa về Thủ đô trong dịp Tết, điều này vừa giúp Hà Nội có thêm nguồn hàng bình ổn thị trường, vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), mới đây, Sở Công Thương có văn bản gửi thành phố tiếp tục xem xét kết nối các DN có khối lượng sản xuất lớn và đảm bảo ATVSTP để khi có yêu cầu thì lập tức hàng hóa có thể đưa về Hà Nội.

Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường cũng được Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh việc kiểm tra các kho bãi, nơi cất giữ hàng hóa để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt, xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến ATVSTP.

Theo M.H/baohaiquan.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
38
Tổng truy cập:
5237733