ĐBSCL siết chặt hoạt động giết mổ, đảm bảo ATTP (30/01/2019)

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân ở ĐBSCL đang tăng cao. Ngành chức năng các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm một cách chặt chẽ.



Cán bộ Thú y tỉnh Cà Mau đóng dấu kiểm dịch lên heo khi đã giết mổ

Ghi nhận tại tỉnh Bến Tre, việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm diễn ra khá sôi động, tăng cao hơn so với tháng trước. Hiện trên địa bàn tỉnh này đều có cơ sở giết mổ tập trung, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Cúc, tiểu thương chuyên kinh doanh thịt trâu, bò sạch – ngụ phường 7, TP Bến Tre, cho biết: “Bình thường, cửa hàng của tôi tiêu thụ mỗi ngày chỉ 1, 2 con trâu, bò. Nhưng những ngày qua, sức mua của người tiêu dùng tăng cao. Vì vậy, tôi phải giết mổ nhiều hơn. Dự kiến từ nay cho đến Tết Nguyên đán lượng tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh hơn nữa”.

Theo bà Cúc, bà chuyên kinh doanh các mặt hàng thịt, chả được làm từ trâu, bò. Trước khi giết mổ đều được nhân viên cơ quan thú y kiểm tra rất chặt chẽ và đóng dấu kiểm dịch. Trâu, bò giết mổ đều khỏe mạnh, đặc biệt, thực phẩm kinh doanh của bà Cúc đã được chứng nhận đủ điều kiện về VSATTP.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, cho biết: “Sức mua của người tiêu dùng những ngày qua đang tăng cao. Đơn vị cũng đã phối hợp với các trạm kiểm dịch trên địa bàn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ động vật nhiễm bệnh”.


Hiện các tỉnh ĐBSCL đang siết chặt hoạt động giết mổ để đảm bảo VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán

Theo ông Thiết, trên địa bàn huyện có đến 6 lò giết mổ hoạt động, thông qua sự kiểm soát của Trạm thú y. “Tình trạng giết heo bệnh, heo chết hoặc heo không qua kiểm dịch tại địa phương là không có”, ông Thiết nói và cho biết, hiện địa phương có 1 cơ sở giết mổ gia súc theo chuỗi giá trị, từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra đều được giám sát chặt chẽ. Đây được xem là mô hình mới, rất hay tại tỉnh Bến Tre. Mô hình này có thể nhân rộng ra toàn tỉnh và các tỉnh lân cận.

Tại tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 29 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó có 2 lò giết mổ gia cầm, 3 lò giết mổ trâu và 1 lò giết mổ dê. Tất cả các cơ sở đều thực hiện giết mổ trên dây chuyền bán thủ công, chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Ghi nhận tại lò giết mổ gia súc tập trung Vũ Biển, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cho thấy, hàng ngày cơ sở này cung cấp cho thị trường từ 30 - 40 con heo với khoảng trên 40 tấn thịt. Đặc biệt, trong những ngày giáp tết, số lượng giết mổ tăng lên gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Hầu hết heo đều được cán bộ thú y kiểm tra nghiêm ngặt, có gắn mã vạch đầu vào và dấu kiểm soát giết mổ đầu ra, 100% là thịt sạch, đảm bảo VSATTP.

Ông Vũ Biển, chủ lò giết mổ gia súc tập trung Vũ Biển, cho biết: “Bình thường, cơ sở tôi giết mổ từ 15 – 20 con heo, nhưng những ngày cận tết nhu cầu tăng cao nên lượng giết mổ cũng vì đó mà tăng lên. Cơ sở của tôi nhập nguồn heo sạch, có nguồn gốc CP và được kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan thú y”.


Thực phẩm sạch luôn là lựa chọn tốt nhất của người tiêu dùng

Năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã kiểm soát giết mổ trên 193.000 con heo, 946 con trâu và 131.350 con gia cầm. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong tỉnh. Để đảm an toàn dịch bệnh cũng như nguồn thực phẩm sạch, ngành thú y tỉnh này đang đẩy mạnh khâu kiểm soát vận chuyển, quản lý chặt hoạt động giết mổ tại các lò giết mổ trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định chăn nuôi an toàn, chủ động các biện pháp phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trong thời điểm cận tết. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thời điểm này, mật độ vận chuyển gia súc, gia cầm từ các địa phương khác vào tỉnh Cà Mau tăng cao. Chúng tôi luôn phân công cán bộ trực tại các trạm mấu chốt trên địa bàn tỉnh để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Chính vì vậy, năm nay địa phương đã hạn chế được một số dịch bệnh thường gặp so với các năm trước như heo tai xanh, lở mồm long móng… thường lây lan qua con đường vận chuyển”.

Theo TRẦN DUY - HOÀNG VŨ/nongnghiep.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
46
Tổng truy cập:
5333194