Bất an chất lượng bữa ăn bán trú: Bài 1: Phụ huynh canh cánh nỗi lo… (25/03/2019)

Thực phẩm bẩn tuồn vào trường học đang là tâm điểm của dư luận cả nước. Chưa bao giờ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATVSTP) sau cánh cổng trường lại khiến phụ huynh lo lắng đến thế. Quy định quản lý đều đã có, tại sao đến khâu thực hiện vẫn xảy ra nhiều sai sót?


Cần kiểm soát chặt nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú trong trường học. Ảnh minh họa

Quản lý doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, suất ăn vào trường học chủ yếu trên giấy tờ và khó kiểm soát hơn nếu các công ty đó đóng trên một địa bàn khác… Đây là thực trạng trong quản lý bếp ăn bán trú tại các trường học ở Hà Nội hiện nay.

Âu lo hiện hữu

Sự việc gần 1.500 trẻ tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) được gia đình cấp tốc đưa về Hà Nội khám và xét nghiệm nhiễm sán lợn là chuyện chưa từng có. Các cơ quan chức năng, nhà khoa học đã vào cuộc để truy tìm chính xác nguồn gốc lây lan sán lợn cho các em. Đến thời điểm này, sự nghi ngờ đang tập trung vào trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) bởi trước đó một số phụ huynh đã ghi lại được hình ảnh món thịt lợn nổi đầy hạch trắng, có dấu hiệu của bệnh lợn gạo trong bữa ăn tại đây.

Thực tế, những năm vừa qua, nhiều vụ mất ATVSTP tại một số trường học đã bị phụ huynh phát hiện và ngăn chặn. Ví dụ như, vụ phụ huynh phát hiện rau, củ quả và thực phẩm không có nguồn gốc của Công ty Trung Thành cung cấp vào trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội). Theo điều tra của cơ quan chức năng, các nhân viên của công ty này thường mua gom rau, củ, quả tại chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh) về sơ chế và “phù phép” thành rau, quả an toàn rồi cung cấp cho các trường học.

Đặc biệt, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) đã phát hiện bữa ăn trưa của con có giòi bò ngoe nguẩy trên đĩa ăn. Nhà trường thừa nhận có vụ việc trên nhưng giải thích không phải do nguồn thực phẩm mà do công đoạn rửa bát không sạch, hai đĩa bị dính vào nhau và để qua ngày thứ bảy, Chủ nhật có giòi.

Từ những vụ việc trên, có thể thấy, sự lo ngại của phụ huynh là có cơ sở. Chị Trần Mai Hoa (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Công việc của hai vợ chồng đều bận rộn nên gia đình thường cho cháu ăn bán trú tại trường. Tuy nhiên, gần đây, qua báo chí, tôi thấy không yên tâm về thực phẩm trong trường học. Trong khi đó, tại nơi con học, một số phụ huynh cũng từng cảnh báo về các bữa ăn của các cháu. Liệu trường con mình có xảy ra hay không? Điều đó luôn hiển hiện trong đầu tôi nhiều ngày qua”.

Chị Đỗ Thanh Huyền, có con học trường Tiểu học Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trăn trở: “Chúng tôi lo ngại chứ không biết phải làm thế nào. Ban phụ huynh không nhắc nhở gì đến việc đi kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm, chúng tôi cũng không dám tự nhiên mà vào. Giá như nhà trường có thông báo cho phép phụ huynh vào giám sát quy trình đầu vào, đầu ra của thực phẩm thì chúng tôi cũng sắp xếp thời gian để đến trường cho yên tâm”.

Ngoài việc bữa ăn bán trú không an toàn vì bị “thẩm lậu” thực phẩm bẩn vào, vì lợi ích, không ít đơn vị cung cấp bữa ăn cho nhà trường còn đang tâm bớt xén khẩu phần ăn của học sinh, khiến bữa ăn nghèo nàn, không đủ dưỡng chất.

“Đỡ lưng” mới vào được trường học?

Theo quy định, tất cả thực phẩm đưa vào bếp ăn trường học đều do đơn vị có đủ tư cách pháp nhân cung cấp và tất nhiên phải đảm bảo các điều kiện ATVSTP. Về mặt lý thuyết, tại các trường học ở Hà Nội hiện nay, nhất là trong các quận nội thành, việc cho phép các công ty đưa thực phẩm vào trường học càng khắt khe hơn. Cụ thể, các công ty cung cấp suất ăn, thực phẩm vào trường học, ngoài việc phải có giấy phép từ Chi cục VSATTP (Sở Y tế) thì Phòng Y tế của nhiều quận, huyện có thể có quy định và có quy trình thẩm định riêng. Sau đó, những công ty nào có đủ hồ sơ, năng lực như yêu cầu thì sẽ có mặt trong danh sách gửi về các trường. Từ đó, các trường căn cứ lựa chọn.

Tuy nhiên, có danh sách rồi nhưng không phải công ty nào muốn vào trường cũng được. Các công ty nhỏ, công ty mới khởi nghiệp, vì không có hồ sơ năng lực, không có thương hiệu nên dù làm tốt cũng không thể vào được. Trên thực tế, dù lớn hay nhỏ, công ty nào được “đỡ lưng” thì mới vào được hệ thống các trường học.

Một công ty cung cấp suất ăn trong trường học trên địa bàn Hà Nội cho biết, để được cung cấp thực phẩm vào trường học là chuyên không đơn giản. Ngoài việc công ty có tiền thì còn phải có quan hệ. Nếu không được “nâng đỡ”, dù làm tốt đến mấy thì công ty đó cũng không thể bước chân vào nổi một trường học ở khu vực nội thành.

Quản lý chồng chéo

Trên thực tế, bếp ăn bán trú tại các trường học hiện nay do phòng Y tế thẩm định và đề xuất cho phép nhưng hoạt động lại do phòng GD&ĐT quản lý. Vì vậy, nhiều trường hợp, khi xảy ra vấn đề thì phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm. Ít người nhắc đến chức năng của phòng Y tế.

Khảo sát của phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô tại một số trường tiểu học ở khu vực huyện Sóc Sơn (Hà Nội), những trường này chỉ có giấy tờ về cơ sở đạt chuẩn cung cấp suất ăn, giấy khám sức khỏe của các nhân viên thuộc công ty cung cấp suất ăn… tuyệt nhiên không có bất kỳ một giấy tờ nào liên quan đến nguồn gốc thực phẩm.

Đại diện Công ty Đầu tư TM&DV Linh Sơn cho biết, công ty chịu trách nhiệm với nhà trường về suất ăn, còn bên cung cấp thực phẩm sẽ chịu trách nhiệm với công ty về thực phẩm. Vì vậy, hồ sơ, giấy tờ gửi về trường chỉ có như thế.

Theo ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội), về việc kiểm tra thực phẩm ở các trường, phòng Y tế huyện Sóc Sơn chỉ hướng dẫn cho các trường vào dịp đầu năm. Các cơ sở cung cấp suất ăn không nằm trên địa bàn Sóc Sơn nên phòng không thể đi kiểm tra được. Ông Hùng cũng khẳng định, trước khi làm hợp đồng, nhà trường phải yêu cầu các cơ sở cung cấp thực phẩm phô tô một bộ hồ sơ đầy đủ để lưu giữ. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn chủ quan, không để  ý đến thủ tục hành chính.

Cũng theo ông Hùng, một doanh nghiệp đạt chuẩn đưa thực phẩm vào trường học phải có: Giấy chứng nhận đạt chuẩn cung cấp thức ăn do Chi cục VSATTP cấp; giấy Đăng ký kinh doanh; giấy khám sức khỏe; kiến thức về VSATTP; hồ sơ cung cấp thực phẩm (lấy thực phẩm ở đâu để Phòng Y tế nắm được nguồn gốc). Phòng Y tế cũng đi kiểm tra thực tế, nếu cơ sở đó đạt đủ điều kiện nấu nướng như: Quy trình một chiều, về vệ sinh, cơ sở vật chất… thì đạt chuẩn vào trường học.

“Bếp ăn trong trường học đã có hướng dẫn cụ thể, phòng Y tế phải có trách nhiệm kiểm tra hướng dẫn chuyên môn về VSATTP nhưng chỉ đạo chính về hoạt động của nhà trường thì lại do phòng GD&ĐT. Chúng tôi chỉ tham gia một phần về VSATTP để đảm bảo cung cấp suất ăn và hướng dẫn các cơ sở về thủ tục hành chính nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh”, ông Hùng nói.

(Còn nữa)

Theo MAI KHÔI/tuoitrethudo.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
27
Tổng truy cập:
5262163