Không chỉ là chuyện sử dụng thìa không rãnh (10/04/2019)

Việc Q. Hải Châu, Đà Nẵng đi tiên phong trong việc vận động các quán ăn nhất là tại các "phố ẩm thực" của quận không sử dụng thìa (muỗng) có rãnh, đã tạo ra một tín hiệu tích cực trong thực hiện Chương trình "Thành phố 4 an" của thành phố mà cụ thể là đảm bảo VSATTP.

Chuyện tưởng là nhỏ nhưng có thể nói đó là "cuộc cách mạng" vì từ trước đến nay trên phạm vi thành phố và cả nước, chưa có địa phương nào nghĩ đến cách làm này. Thực tế là các quán ăn trên địa bàn Q.Hải Châu nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung rất nhiều quán sử dụng thìa có rãnh sâu. Đối với loại thìa này, khi rửa với số lượng lớn sẽ không tránh khỏi tình trạng dầu mỡ, thức ăn dư thừa dính lại. Một xét nghiệm cho thấy, khi dùng thuốc thử test nhỏ vào thì thấy tinh bột sót lại giữa rãnh nổi màu cho thấy thực phẩm còn tồn đọng, gây mất vệ sinh.  Việc sử dụng thìa không rãnh sẽ loại bỏ được nguy cơ tiềm ẩn gây mất vệ sinh này.


Cần "nói không với ống nhựa"

Nếu nói đến vấn đề vệ sinh tại các quán ăn hiện nay, việc sử dụng thìa không rãnh là một bước đi tích cực, cần nhân rộng trong phạm vi thành phố vì nó không quá khó, bên cạnh đó, vẫn còn những yếu tố khác liên quan đến vấn đề VSATTP cần được quan tâm. Những việc này cũng không khó, thậm chí còn dễ hơn việc dùng thìa không rãnh để đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn chưa quan tâm một cách tích cực. Xin kể ra đây một số việc cần làm không nằm ngoài khả năng của các nhà hàng, quán ăn.

Thứ nhất là chuyện thay các loại giấy lau chén bát, thìa mà phổ biến hiện nay là loại giấy làm từ giấy tái chế, cắt thành những miếng vuông không đảm bảo  vệ sinh và cả loại giấy chỉ dùng trong nhà vệ sinh nhưng cũng được người ta bỏ lên bàn ăn để thực khách lau miệng, lau chén ở không ít quán ăn. Như thế rất mất vệ sinh nhưng lại ít được quan tâm.

Nên biết rằng, các loại giấy lau nêu trên đa phần được tái chế từ... rác thải. Quy trình cho ra đời những tờ khăn giấy bẩn sẽ khiến nhiều người phải rùng mình. Chúng được làm từ nguồn giấy phế phẩm như sách báo cũ, giấy in đã sử dụng và cả giấy ăn đã qua sử dụng của các hàng quán được thu gom và tái chế thông qua những cơ sở quy mô nhỏ và làng nghề.

Nguyên liệu không rõ ràng, công nghệ cũ kỹ và lạm dụng hóa chất độc hại (Xút, Javen) là mối nguy lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh cho thực khách nên có phong trào "nói không" với giấy lau bẩn và sớm loại bỏ nó khỏi bàn ăn như đang làm với thìa có rãnh.

Thứ hai là nói không với các sản phẩm bao bì bằng nhựa liên quan đến ăn uống. Đầu tiên là ống hút nhựa. Tại sao người viết lại đề cập đến loại dụng cụ thông dụng này? Đơn giản chỉ vì đây là tác nhân gây ô nhiễm môi trường rất tiềm tàng. Được biết, ống hút bằng nhựa chiếm khoảng hơn 8% các loại rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường.

Trong vòng 6 thập kỷ vừa qua, sản lượng nhựa đã tăng nhanh đến mức nó đã tạo ra tổng cộng khoảng 6,3 tỷ tấn rác nhựa tính đến năm 2015. Quan trọng hơn là 91% trong số đó không được tái chế. Đi vào các nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các quán bán nước giải khát, khi bạn kêu nước uống (ngoại trừ bia) thì nhân viên của quán, ngoài ly hay lon, chai nước còn kèm theo ống hút nhựa mặc dù đại đa số khách chẳng hề yêu cầu.

Có những loại nước uống hoàn toàn có thể uống một cách dễ dàng, thoải mái từ ly, từ chai mà không cần phải dùng tới ống hút. Nhưng theo thói quen, các quán vẫn đem ống hút ra cho khách và khách thấy vậy cũng vô tư sử dụng! Nếu có ý thức bảo vệ môi trường, không nhất thiết phải dùng ống hút nhựa.

Tuy hiện nay đã có những cảnh báo về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa mà ống hút nhựa là một ví dụ nhưng hầu như vẫn chưa thấy có kế hoạch, lộ trình giảm thiểu ống hút nhựa một cách cụ thể, trong khi đa số ống hút nhựa trên thị trường đều là những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sở dĩ chúng có giá thành rẻ vì được làm từ nhựa tái chế.

Dù trong quá trình sản xuất, nhựa đã được đun ở nhiệt độ cao nhưng một số các chất diệt khuẩn, kháng sinh vẫn có thể tồn tại. Ngoài ra, những phẩm màu được dùng làm ống hút nhựa thường có thành phần bị cấm. Vì vậy, khi dùng ống hút, chất có hại sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Thiết nghĩ, trước khi có những quy định, chế tài liên quan đến việc hạn chế, xử phạt việc lạm dụng ống hút nhựa để bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng thì bản thân mỗi người chúng ta nên "nói không với ống hút nhựa". 

Đó cũng là việc nên được quan tâm một cách nghiêm túc  do tính khả thi cao của nó. Ngoài ra còn những vấn đề cũng không phải quá khó nếu đã thực hiện được "nói không với thìa có rãnh" chẳng hạn như không sử dụng túi ni-lông khi đi chợ, khi đựng thức ăn, thực phẩm mà thay vào đó là những phong trào sử dụng làn đi chợ của các bà nội trợ, sử dụng cà mèn khi mua thức ăn chín, nóng...

Bảo vệ sức khỏe của mọi người thông qua các biện pháp không quá phức tạp như việc không sử dụng thìa có rãnh và sau đó là các phong trào "nói không với giấy lau không đạt tiêu chuẩn", "nói không với ống hút nhựa",... là hành động thực hiện ATVSTP một cách thiết thực. Có thể xem đây là "phát pháo" đầu tiên trong phong trào toàn dân hưởng ứng chương trình thành phố "4 an" của thành phố mà ATVSTP là một cái "an" rất quan trọng.

Theo DÂN HÙNG/cadn.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
35
Tổng truy cập:
5325751