HACCP – chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn thế giới. (20/06/2014)

HACCP – chuẩn mực vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

Từ những năm 1960, khái niệm về HACCP, một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm giúp phát hiện các mối nguy và kiểm soát chúng đã được hình thành. Từ đó đến nay, HACCP đã phát triển thành một hệ thống các quy tắc cùng cách thức thực hiện, để trở thành một chuẩn mực về an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

 Giới thiệu về HACCP

HACCP là từ viết tắt của Hazard Analysis and Critical Control Point trong tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là "hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn".

Hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu. Công cụ này giúp tập trung nguồn lực kỹ thuật, chuyên môn vào những bước chế biến có ảnh hưởng quyết định đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để dự đoán trước các mối nguy có thể xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm từ đó xây dựng trước các biện pháp phòng ngừa. Quy trình HACCP sẽ phân tích toàn bộ hệ thống sản xuất từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu sản xuất, thành phẩm, kiểm tra và bảo quản. HACCP phân tích những khả năng ảnh hưởng đến sản phẩm như: các mối nguy về sinh học (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm mốc, men... trên nguyên liệu hay nhiễm từ bên ngoài vào), mối nguy về hóa học (các loại độc tố có trong nguyên liệu, các chất do con người vô tình hay cố ý đưa vào như: thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phụ gia hay dư lượng của thuốc bảo vệ thực vật...), mối nguy về vật lý (các hạt cát, sạn, mẫu gỗ, kim loại hoặc các tạp chất khác bị nhiễm vào trong quá trình thu hoạch, bảo quản nguyên liệu)... Bên cạnh việc phân tích các mối nguy, HACCP còn xác định những điểm kiểm soát tới hạn CCP (Critical Control Point - điểm mà tại đó có thể tiến hành kiểm soát và có thể ngăn ngừa, loại bỏ hoặc giảm thiểu mối nguy an toàn thực phẩm đến mức có thể chấp nhận) cùng với những mục tiêu phòng ngừa, các thủ tục theo dõi, giám sát và những tác động điều chỉnh đến từng điểm kiểm soát trọng yếu này.

Nguồn gốc HACCP

HACCP đã được hình thành khi công ty Pillsbury của quân đội Mỹ và cơ quan nghiên cứu hàng không Mỹ (NASA) cùng phối hợp tìm cách sản xuất các thực phẩm an toàn cho chương trình du hành không gian. NASA muốn có một chương trình “hoàn toàn không khuyết tật“  để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà du hành dùng trong vũ trụ. Công ty Pillsbury thấy rằng họ phải kiểm nghiệm quá nhiều thành phẩm tới mức cuối cùng chỉ còn lại rất ít sản phẩm có thể sử dụng. Do đó công ty Pillsbury kết luận: Chỉ có cách xây dựng hệ thống phòng ngừa, không cho mối nguy xảy ra trong quá trình sản xuất mới đảm bảo được an toàn thực phẩm. Đầu những năm 1960 họ bắt đầu áp dụng khái niệm HACCP đối với công tác sản xuất thực phẩm của họ.Từ đó hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm của công ty Pillsbury được công nhận trên toàn thế giới như một biện pháp tối tân để kiểm soát an toàn thực phẩm. Sau đó được các tổ chức uy tín trên thế giới như FDA, FAO phổ biến và áp dụng. Đến nay, HACCP đã trở thành tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các nguyên tắc của HACCP

HACCP có 7 nguyên tắc:

-           Nhận diện mối nguy;

-           Xác định điểm kiểm soát tới hạn (CCP - Critical Control Points);

-           Xác định giới hạn tới hạn cho mỗi CCP;

-           Thiết lập thủ tục giám sát CCP;

-           Thiết lập kế hoạch hành động khắc phục khi giới hạn tới hạn bị phá vỡ;

-           Xây dựng thủ tục thẩm tra hệ thống HACCP;

-           Thiết lập thủ tục lưu trữ hồ sơ HACCP.

Vai trò của HACCP đối với các doanh nghiệp

HACCP phân tích các mối nguy có thể xảy ra và xác định, giám sát các điểm CCP trong tất cả các quy trình hoạt động có liên quan đến sản phẩm từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Do đó, quy trình HACCP đã triệt tiêu các mối nguy có thể có ngay từ khi nó còn chưa xảy ra, giúp doanh nghiệp giảm thiểu các chi phí do các sản phẩm không đạt yêu cầu, các chi phí cho việc phân tích, lấy mẫu và những thiệt hại nếu những sản phẩm không đạt yêu cầu đến tay khách hàng. Thêm vào đó, HACCP giúp doanh nghiệp tự tin tiếp xúc với khách hàng, chứng minh rằng sản phẩm được kiểm soát bởi một hệ thống quản lý chất lượng,  đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, HACCP được nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản… quy định bắt buộc áp dụng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) cũng khuyến cáo việc nên áp dụng HACCP kết hợp với việc duy trì điều kiện sản xuất (GMP) để nâng cao hiệu quả của việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, áp dụng HACCP chính là con đường giúp các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Việt Nam bước đầu chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

Hồng Điệp IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
37
Tổng truy cập:
5264965