FSI góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững (04/11/2014)

Sau 6 tháng triển khai, đề tài “Nghiên cứu hướng dẫn Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, áp dụng thành công VietGAP và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm chân trắng thâm canh” của Viện An toàn thực phẩm (FSI) đã đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Đề tài không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp Tân Vân và các cơ sở lân cận mà còn mở ra một hướng liên kết mới, giúp nhân rộng các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng theo hướng VietGAP, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Xuất phát từ khó khăn của nông dân

Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm chân trắng nói riêng ở Việt Nam trong thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn do sử dụng giống chất lượng kém; dịch bệnh trong nuôi trồng phát sinh ngày càng nhiều, môi trường bên trong và bên ngoài ao nuôi ngày càng suy thoái, dẫn tới chi phí sản xuất trên 1 đơn vị sản phẩm tăng.

Để giúp nông dân đạt hiệu quả sản xuất cao hơn đồng thời để nâng cao chất lượng nông sản của Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã ban hành các quy phạm về quy trình VietGAP. VietGAP thuỷ sản tích hợp các yêu cầu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của quốc tế như GlobalG.A.P, ASC, BAP, … giúp sản phẩm nông nghiệp được sản xuất đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Và do đó, VietGAP là giải pháp để phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, để áp dụng VietGAP thủy sản, người nuôi trồng còn gặp nhiều khó khăn do trình độ kỹ thuật hạn chế, trong khi các khóa đào tạo chưa thực sự gắn liền với thực tế nuôi trồng của bà con nông dân.

 
Nông dân gặp nhiều khó khăn về kiểm soát dịch bệnh cho tôm - Ảnh minh họa

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nêu trên và thực hiện đúng sứ mệnh “Nâng cao kiến thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất”, Viện An toàn Thực phẩm (FSI) đã hỗ trợ cấp kinh phí và tổ chức thực hiện đề tài “Nghiên cứu áp dụng VietGAP trong nuôi tôm chân trắng thâm canh tại doanh nghiệp Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nhằm đạt năng suất, sản lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm”. Với mục đích lấy Doanh nghiệp (DN) tư nhân Tân Vân (Khối 8, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) sẽ là mô hình VietGAP chuẩn để các cơ sở nuôi trồng thủy sản khác đến học hỏi áp dụng, FSI kỳ vọng đề tài có sự lan tỏa rộng.  

Từ tháng 3/2014, Viện FSI bắt đầu thông báo tuyển chọn các tổ chức có năng lực, kinh nghiệm thực hiện tư vấn áp dụng VietGAP. Kết quả, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) là đơn vị được Viện FSI lựa chọn và cấp kinh phí thực hiện hoạt động tư vấn, xây dựng mô hình này.

 
Ông Vi Thế Đang, GĐ Trung tâm FITES (bên trái) đào tạo về ghi chép hồ sơ cho ông Đặng Thanh Tân, Chủ DN Tân Vân (bên phải) và các công nhân của DN

Hiệu quả thiết thực với đời sống sản xuất của nông dân

Trải qua 03 tháng bám sát hoạt động nuôi từ khâu tuyển chọn con giống, xử lý môi trường nuôi, công đoạn nuôi và thu hoạch, Trung tâm FITES đã hướng dẫn Doanh nghiệp Tân Vân hoàn thiện mô hình VietGAP chuẩn theo đúng yêu cầu về quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến ngày 26/10/2014, Tân Vân đã chính thức được Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert trao giấy chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm tôm thẻ chân trắng.


Ông Lê QuangTrung, Đại diện công ty VinaCert trao giấy chứng nhận VietGAP thủy sản cho ông Đặng Thanh Tân, Chủ DN Tân Vân – (Từ trái qua phải: ông Vi Thế Đang;  ông Đặng Thanh Tân; ông Lê Quang Trung; ông Nguyễn Văn Hòa - Chuyên viên Vụ Nuôi trồng Thủy sản, Tổng cục Thủy sản) 

Một niềm vui lớn đã đến với ông Đặng Thanh Tân, chủ DN Tân Vân bởi từ khi được hướng dẫn nuôi tôm theo hướng VietGAP, ông có thể khắc phục được những khó khăn trước kia và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. “Nhờ có các hướng dẫn khi thực hiện VietGAP từ khâu chọn giống, ao nuôi, môi trường, quản lý thức ăn, chăm sóc tôm…mà tôi có thể phòng ngừa được dịch bệnh cho tôm, giảm chi phí nuôi trong khi sản lượng tôm trên một đơn vị diện tích lại tăng lên.” - Ông Tân chia sẻ. 

Cơ sở Tân Vân có 7 ao nuôi, trên tổng diện tích là 2,16 ha. Kể từ khi nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt 5 tấn/ha, tăng 10-20% so với những vụ trước. Niềm vui của ông Tân được nhân lên bởi vì từ khi trang trại tôm thẻ chân trắng của ông được công ty VinaCert cấp giấy chứng nhận VietGAP thủy sản, ông có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ.


Ao nuôi tôm thẻ chân trắng của DN Tân Vân

Và không chỉ dừng lại ở DN Tân Vân, hiệu quả của đề tài do Viện An toàn thực phẩm FSI triển khai còn mang lại lợi ích cho cả vùng nuôi trồng thủy sản Kim Sơn. Nhiều hộ nuôi tôm lân cận đã đến Tân Vân để học hỏi về mô hình VietGAP. 

“Tôi đã nghe nói tới VietGAP thủy sản nhưng để tìm hiểu và áp dụng theo VietGAP, đối với tôi là một khó khăn rất lớn. Vì thế, có mô hình thực tế của anh Tân, tôi thấy VietGAP đã ở gần hơn rất nhiều. Tôi thường đến chỗ của anh Tân để học hỏi về các bước để áp dụng theo VietGAP, từ cách xây dựng nhà kho, ao nuôi đến các bước kỹ thuật như kiểm tra môi trường nước, quản lý thức ăn, ghi chép hồ sơ…Trong năm sau, khi chuẩn bị đủ điều kiện, tôi sẽ áp dụng nuôi tôm VietGAP tại cơ sở của mình.” – Ông Đào Như Đức (Chủ hộ nuôi Như Đức - Khối 1, thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cho biết.


Ông Đặng Thanh Tân (bên trái) hướng dẫn ông Đào Như Đức cách kiểm tra độ mặn

Qua cuộc trao đổi với ông Tân, ông Đức và từ thực tế sản xuất, có thể thấy rằng nhiều chủ hộ nuôi mặc dù muốn áp dụng nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP nhưng đều gặp rào cản về quá trình tiếp cận, cách thức thực hiện. Trước khó khăn này, Viện FSI với đề tài “Nghiên cứu hướng dẫn Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, áp dụng thành công VietGAP và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm chân trắng thâm canh” là một minh chứng cho thấy Viện đã mở ra một hướng liên kết hiệu quả trong việc nhân rộng các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng theo VietGAP.

Ông Vi Thế Đang, GĐ Trung tâm FITES nhận định: “Viện An toàn thực phẩm đã có định hướng rất tốt khi có các đề tài hỗ trợ các cơ sở áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ một doanh nghiệp, đề tài này có sức ảnh hưởng và lan tỏa tới cả các hộ nuôi lân cận trong địa phương. Đây là một việc làm góp phần nâng cao chất lượng của nông sản Việt Nam với thế giới.” 

Thời gian thực hiện đề tài “Nghiên cứu hướng dẫn Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, áp dụng thành công VietGAP và nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm chân trắng thâm canh” của Viện FSI đã kết thúc nhưng với ông Đặng Thanh Tân, chủ DN Tân Vân thì những lợi ích mà đề tài mang lại cho ông vẫn còn mãi, đó là phương pháp luận về VietGAP và biết cách triển khai VietGAP vào thực tế của cơ sở nuôi. Và từ ông Tân, những kiến thức quý báu này sẽ được truyền lại cho các chủ hộ nuôi khác. Đây là nền tảng để nhân rộng các cơ sở áp dụng VietGAP, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

IRC

 

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
49
Tổng truy cập:
5637902