FSI tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu áp dụng VietGAP trong nuôi tôm chân trắng thâm canh (18/12/2014)

Ngày 17/12/2014, Viện An toàn Thực phẩm (FSI) đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu áp dụng VietGAP trong nuôi tôm chân trắng thâm canh tại Doanh nghiệp Tân Vân, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nhằm đạt năng suất, sản lượng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Đề tài được FSI giao cho Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Dịch vụ Thủy sản Việt Nam- FITES chủ trì thực hiện. Ông Nguyễn Tử Cương, Kỹ sư khai thác thủy sản, Chuyên viên cao cấp, Giám đốc FITES là chủ nhiệm Đề tài, đồng chủ nhiệm là ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Sản phẩm Thực phẩm, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế.

Hội đồng KH&CN nghiệm thu Đề tài được thành lập dựa trên Quyết định  số 2746/QĐ-FSI ngày 09/12/2014 của Viện trưởng Viện An toàn Thực phẩm bao gồm:

  1. TS. Như Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp - Chủ tịch Hội đồng KH&CN

2.   TS. Phạm Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert- Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN.

  1. TS. Lê Xân, chuyên gia tư vấn Hợp phần nuôi, Dự án CRSV- Ủy viên Hội đồng KH&CN.

4.   ThS. Nguyễn Văn Hòa, Chuyên viên Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản- Ủy viên Hội đồng KH&CN.

  1. ThS. Chu Quốc Lập, Viện phó, Viện ATTP- Ủy viên Hội đồng KH&CN.
  2.  KS. Dương Thị Bình Minh, Viện ATTP- Ủy viên Hội đồng KH&CN, Thư ký Khoa học.

Khách mời tham dự buổi nghiệm thu: Ông Ngô Văn Nam, Giám đốc Điều hành VinaCert.   


Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học

Mở đầu buổi nghiệm thu, KS. Nguyễn Tử Cương- Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt Đề tài và kết quả nghiên cứu với các nội dung cơ bản gồm: những người tham gia thực hiện Đề tài, tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, tính cấp thiết của Đề tài, mục tiêu nghiên cứu, đối tượng và phương pháp tổ chức nghiên cứu, nội dung và kết quả nghiên cứu. 


KS. Nguyễn Tử Cương- Chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt Đề tài

Đề tài là sự tổng hợp của các quá trình nghiên cứu thực tế hướng tới mục tiêu chung là góp phần vào việc nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững tại Việt Nam và mục tiêu cụ thể: “Nghiên cứu biện pháp kiểm soát các loại mối nguy gây mất An toàn bệnh dịch, An toàn môi trường, An toàn thực phẩm và An sinh xã hội tại cơ sở nuôi tôm chân trắng thâm canh thuộc Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân, nhằm đạt được năng suất, sản lượng cao và đáp ứng các yêu cầu của VietGAP”.

Đề tài tập trung vào nghiên cứu các nội dung cụ thể sau: so sánh 68 chỉ tiêu của  quyết định 1503 với điều kiện của cơ sở Tân Vân từ đó xác định những chỉ tiêu cần áp dụng; khảo sát, đánh giá cấu trúc mặt bằng, ao đầm, công trình trên bờ thuộc Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân để xác định những mối nguy có thể xảy ra và biện pháp kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn hoặc khống chế để mối nguy không vượt quá giới hạn cho phép; xây dựng và thực hiện chương trình cải tạo, nâng cấp phần cứng đáp ứng yêu cầu của VietGAP; xây dựng quy trình nuôi tôm chân trắng mới theo nguyên tắc phòng ngừa, ngăn chặn hoặc khống chế mối nguy được nhận diện; đào tạo cán bộ quản lý, kỹ thuật cũng như công nhân của Tân Vân; tổ chức thực hiện quy trình nuôi tôm chân trắng thâm canh tại Tân Vân; tính toán hiệu quả kinh tế; mời tổ chức đánh giá chứng nhận; viết báo cáo đánh giá Đề tài và tổ chức hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu Đề tài.

Thời gian triển khai Dự án nghiên cứu là từ 4/2014 đến 11/2104. Diện tích nuôi trồng là 4ha, trong đó, có ao nuôi 3 vụ, có ao chỉ nuôi 2 vụ. Phương thức nuôi: cho ăn, trị bệnh, không thay nước. Kinh phí để thực hiện Đề tài được cấp bởi Viện An toàn Thực phẩm- FSI theo tiến độ kế hoạch, tương ứng với các nội dung nghiên cứu được xây dựng.

Hội đồng KH&CN rất ghi nhận thành quả mà Dự án nghiên cứu đạt được, ý nghĩa thực tiễn của Đề tài cũng như tâm huyết của những người thực hiện, tâm huyết của FSI. Ủy viên Hội đồng KH&CN TS. Lê Xân tỏ ra rất hào hứng khi nghiệm thu một Đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao như vậy, ông cho rằng đây là một Đề tài nghiên cứu có tác dụng lan tỏa nếu được phổ biến. TS. Lê Xân hoan nghênh sự thành công của lần đầu tiên Viện An toàn Thực phẩm triển khai Dự án nghiên cứu khoa học với phương pháp nghiên cứu được đánh giá cao khi mô tả rõ ràng thực tế để người sản xuất dễ dàng tham khảo. Theo ông, hiệu quả kinh tế xã hội của Đề tài là rõ ràng không những cho doanh nghiệp mà còn cho các cơ sở nuôi tôm hiện nay. Giá trị của Đề tài còn nằm ở việc đã đào tạo được các công nhân tại cơ sở sản xuất có được kỹ thuật nuôi trồng và đội ngũ nhân lực của Viện có được kiến thức thực tế. 

Ths. Nguyễn Văn Hòa, Chuyên viên Vụ Nuôi trồng thủy sản, đánh giá cao đơn vị đầu tư thực hiện Đề tài là Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert cũng như những hiểu biết, kinh nghiệm của Chủ nhiệm Đề tài và chủ Doanh nghiệp tư nhân Tân Vân- anh Đặng Thanh Tân. Anh Nguyễn Văn Hòa nhận xét rằng Đề tài có phương pháp nghiên cứu phù hợp, đảm bảo tiến độ, sản phẩm đầy đủ. Ths. Chu Quốc Lập, Viện An toàn Thực phẩm đánh giá Đề tài nhìn chung được tiến hành chặt chẽ, đạt yêu cầu.


ThS. Nguyễn Văn Hòa, Ủy viên Hội đồng KH&CN đóng góp ý kiến cho Đề tài

Chủ tịch Hội đồng KH&CN nghiệm thu Đề tài- TS. Như Văn Cẩn nhận xét Đề tài được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ý nghĩa lớn đối với định hướng phát triển nền nông nghiệp áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Bộ NN&PTNT. Ông nhấn mạnh giá trị thực tiễn sản xuất, hiệu quả kinh tế và tâm huyết của những người tham gia đóng góp cho sự thành công của Đề tài. 

.
TS. Như Văn Cẩn- Chủ tịch Hội đồng KH&CN nghiệm thu Đề tài

Ngoài ra, TS. Phạm Văn Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN thống nhất với các thành viên Hội đồng đã đưa ra một số góp ý, kiến nghị cho Đề tài được hoàn chỉnh hơn gồm: Đề tài cần làm rõ hơn nữa về hiệu quả kinh tế, bổ sung lợi ích về an toàn thực phẩm trong báo cáo vì đây là tài liệu lưu lại tại Viện An toàn Thực phẩm dùng cho việc tham khảo sau này; chỉnh sửa lại cách thức trình bày và bố cục văn bản, báo cáo sao cho đúng mẫu; nếu có điều kiện, cần tiếp tục nghiên cứu để khẳng định hướng sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP là hướng đi đúng đắn.


TS. Phạm Văn Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN đưa ra những ý kiến đóng góp cho Đề tài

Đại diện khách mời, ông Ngô Văn Nam- Giám đốc Điều hành VinaCert có góp ý rằng Đề tài cần đưa ra so sánh cụ thể về các chỉ tiêu kinh tế giữa các vụ nuôi trồng, giữa các năm để cho thấy rõ hiệu quả và có giá trị thuyết phục cao hơn nữa. 


Đại biểu khách mời của buổi nghiệm thu, ông Ngô Văn Nam- Giám đốc Điều hành VinaCert

Sản phẩm của Đề tài có thể chưa đáp ứng tất cả các yêu cầu về mặt hình thức trình bày nhưng  xét về mặt tổng quan, đối chiếu với 10 chỉ tiêu nghiệm thu, Hội đồng KH&CN nhất trí cao nghiệm thu Đề tài với 100% số phiếu của thành viên Hội đồng đánh giá “Đạt”. 

Có thể nói, Đề tài sẽ mở ra một hướng liên kết mới, giúp nhân rộng các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng theo hướng VietGAP, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. 

Huyền Trang IRC
Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
9
Tổng truy cập:
5349128