Tích cực giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (18/04/2018)

Từ năm 2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội thực hiện thêm lĩnh vực mới là giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng MTTQ các cấp đã thể hiện được vai trò của mình trong lĩnh vực này, góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.


MTTQ phối hợp với các ngành liên quan thực hiện giám sát, mang lại hiệu quả trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt

Để không còn thực phẩm "bẩn"

Là huyện nông nghiệp nên công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm được UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì chú trọng, tập trung tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh, nhất là người tiêu dùng nói không với thực phẩm “bẩn”. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thắm cho biết: Ngành khuyến nông đã tổ chức nhiều diễn đàn, lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt theo phương pháp an toàn cho người chăn nuôi và người sử dụng. Toàn huyện có gần 6 nghìn cơ sở kinh doanh thực phẩm ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, qua kiểm tra, cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt hành chính hơn 5 nghìn lượt, phát hiện 721 lượt cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Phạm Tuấn Diếp, cán bộ Mặt trận các cấp đã góp sức bảo đảm không để xảy ra các vụ ngộ độc tập thể trên địa bàn. Trong năm 2017, quận đã xử phạt hành chính hơn 150 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 200 triệu đồng. Hai cơ sở nấu cỗ và sản xuất nước đóng bình không có giấy phép đã bị xử phạt và dừng hoạt động. Đặc biệt, UBND quận đã xây dựng thành công tuyến phố điểm về thức ăn đường phố tại phố Nghi Tàm và tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Cùng với công tác giám sát, hai năm qua, 100% thôn, tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn thành phố tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ở cấp thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với Sở Y tế ban hành bộ tờ rơi 10 quy tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn; 10 tiêu chí an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố; 10 tiêu chí an toàn thực phẩm đối với kinh doanh cửa hàng ăn uống; phòng ngừa, ngăn chặn ngộ độc thực phẩm; những hành vi bị cấm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm… để phát cho nhân dân. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức của người sản xuất và người tiêu dùng, không sản xuất và sử dụng những sản phẩm "bẩn", mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cần quyết liệt hơn

Để công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức cũng như phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác này đến cán bộ mặt trận cấp thành phố, quận, huyện, thị xã và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn, Ban Công tác mặt trận khu dân cư thuộc 5 quận, huyện: Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín.

Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố còn huy động và phân công mỗi tổ chức thành viên chịu trách nhiệm một mảng công việc nhất định. Cụ thể, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố giám sát công tác quản lý nhà nước ở khối chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn các quận: Hoàng Mai, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng. Hội Nông dân thành phố giám sát việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn… Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các ban, ngành liên quan tổ chức đoàn giám sát hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước ở 5 quận, huyện: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín và 10 xã về an toàn thực phẩm... Các tổ chức thành viên phải đảm nhiệm tuyên truyền đến hội viên và các tầng lớp nhân dân về việc sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, nhất là quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi…

Tuy vậy, theo đánh giá của Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa sâu rộng và duy trì thường xuyên, chủ yếu thực hiện trong các đợt cao điểm như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội, Tết Trung thu… Do vậy, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa tốt.

Xác định vận động toàn dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm là nội dung quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động ít nhất 50% hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới và các phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: Trong quý II-2018, MTTQ Việt Nam thành phố sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan giám sát một số quận, huyện, xã phường, thị trấn. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô vừa trên địa bàn. Thông qua giám sát, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng, sản xuất và sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Hiền Phương/hanoimoi.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
24
Tổng truy cập:
5309431