Sức khỏe ngày Tết: Nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc (10/01/2019)

Tết Nguyên đán đến gần khiến nhu cầu về thực phẩm của người dân ngày một tăng cao. Hiện nay nhiều sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu đã và đang trôi nổi trên thị trường làm gia tăng nguy cơ mất ATTP, đe dọa tới sức khỏe của người dân.


Kiểm tra an toàn thực phẩm

Khó kiểm soát ở chợ dân sinh

Thực tế cho thấy, thực phẩm bẩn có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, đặc biệt là tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống – nơi nhiều loại thực phẩm được bày bán, luân chuyển đi khắp nơi. Thống kê cho thấy, TP Hà Nội hiện có 239 chợ, trong đó có gần 170 chợ loại 3 và chợ tạm. Trong khi 3 chợ đầu mối và các chợ loại 1, loại 2, việc kiểm tra, giám sát về giá cả, chất lượng hàng hóa được thực hiện khá tốt thì ở các chợ loại 3, chợ tạm, chợ tự phát, việc kiểm tra, giám sát ATTP còn lỏng lẻo, chưa đi vào nề nếp, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Nhất là thời điểm cận Tết, tình trạng bày bán tràn lan các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn Hà Nội diễn ra một cách phổ biến, những mặt hàng này chủ yếu xuất hiện ở các chợ dân sinh, nơi cung cấp chủ lực các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân và người lao động.

Do nhu cầu tiêu dùng lớn, thêm đó là việc buôn bán thực phẩm nhập lậu thường mang lại siêu lợi nhuận, nên nhiều thương lái bất chấp pháp luật, coi rẻ sức khỏe của người tiêu dùng, sử dụng nhiều thủ đoạn để vận chuyển vào nội địa rồi đem đi tiêu thụ, nhất là quanh các khu công nghiệp - nơi có đông đảo công nhân lao động sinh sống, chính vì thế nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết tiếp tục trở thành mối lo ngại lớn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới mắc và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư, trong đó có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm thiếu an toàn và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hệ lụy, hàng chục ngàn tỷ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh, không những thế, thực phẩm bẩn còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động.

Bên cạnh đó, theo Cục ATTP (Bộ Y tế), tình trạng cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận cố tình vi phạm như sản xuất mà không công bố sản phẩm, đưa thêm các chất không được phép sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo quá mức,… vẫn diễn ra thường xuyên. Tình trạng bán hàng thực phẩm online, hàng xách tay, quảng cáo qua mạng xã hội, đặt hàng qua điện thoại… đang là hình thức khá phổ biến gây rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa nếu họ cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, việc giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng về sản phẩm vẫn chưa có cơ chế để kiểm soát.

Theo số liệu từ Sở Công thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết 2019 vào khoảng 28,5 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2018. Dự kiến, số lượng một số mặt hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết gồm: Gạo 190,600 tấn, thịt lơn 44.000 tấn, thịt gà 14.600 tấn, thịt bò hơn 12.300 tấn, trứng gia cầm 256 triệu quả; rau củ hơn 254.000 tấn, thủy hải sản 11.200 tấn, nông lâm sản khô khoảng 3.500 tấn, khoảng 3.000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu, bia, nước giải khát...

Siết kiểm tra ATTP

Trước nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng cao trong thời điểm cận Tết, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP đã ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa lễ hội Xuân 2019. Theo đó, thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đăk Nông, Đồng Tháp, Tiền Giang từ ngày 1/1 - 25/3.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, việc thanh tra, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết như: bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm; phát hiện và cảnh báo các mối nguy về an toàn thực phẩm. Cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện, xã, phường. Việc kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và lễ hội, tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.

Theo Cục ATTP, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP. Về phía người dân, cũng cần kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP.   

Theo Minh Thúy/daidoanket.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
37
Tổng truy cập:
5262163