FSI phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm tổ chức Hội thảo QMFS 2017 (21/10/2017)

Trong hai ngày 19/10 và 20/10/2017 tại Hà Nội, Viện An toàn thực phẩm (FSI) thuộc Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định VinaCert đã phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) tổ chức Hội thảo Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm-QMFS 2017.


Các đại biểu tại lễ khai mạc Hội thảo QMFS 2017

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VinaCert; TS. Lê Quang Trung, Phó Viện trưởng Viện ATTP (FSI) thuộc VinaCert, các thành viên Hội đồng Cố vấn của VinaCert cùng lãnh đạo và nhân viên một số phòng ban liên quan đến quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của VinaCert.


PGS, TS. Quản Lê Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Phía trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) có GS. Đinh Văn Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK; PGS, TS. Quản Lê Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm (CNSH&CNTP), Trưởng Ban tổ chức QMFS 2017; đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung tâm của Trường ĐHBK cùng 150 nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý đến từ 30 trường đại học, viện nghiên cứu và hơn 40 doanh nghiệp

QMFS 2017 có hơn 60 bài báo cáo khoa học tập trung vào 5 nội dung chính: Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; diễn đàn doanh nghiệp về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; kỹ thuật thực phẩm; kiểm nghiệm và phân tích thực phẩm; chương trình đào tạo thạc sĩ an toàn thực phẩm (dự án ERASMUS, AsiFood và NutriSEA).

Hội thảo còn có nhiều báo cáo kết quả nghiên cứu về công nghệ chế biến, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, phát triển phương pháp phân tích và phân tích mối nguy gây mất ATTP; hệ thống quản lý và công cụ kiểm soát chất lượng ATTP; chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ thực phẩm an toàn.


Lần lượt từ phải qua trái ảnh: Ông Nguyễn Hữu Dũng, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng và TS. Vũ Hồng Sơn tại "Diễn đàn doanh nghiệp về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm"  với vai trò chủ tọa

Theo chương trình phân ban, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VinaCert; PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng và TS. Vũ Hồng Sơn, Trưởng bộ môn Quản lý chất lượng (ĐHBK) đã tham gia “Diễn đàn doanh nghiệp về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm” với vai trò chủ tọa, giải đáp những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm.

Diễn đàn đề cập đến 3 vấn đề chính: Những khó khăn trong công tác đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm của doanh nghiệp; nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm; cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp – cơ quan quản lý nhà nước - các trường, các Viện ATTP.

Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp nêu lên những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến việc quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm; chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng; những yếu tố làm biến động nguồn nhân lực trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm; cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp… 3 vị chủ tọa Diễn đàn đã lần lượt giải đáp các vấn đề mà doanh nghiệp đang băn khoăn, cần tìm hiểu.

Tại một chương trình phân ban khác, TS. Lê Quang Trung, Phó viện trưởng Viện FSI thuộc VinaCert cũng có bài thuyết trình về “Nghiên cứu áp dụng chuỗi giá trị an toàn thực phẩm trong sản xuất mật ong ở Việt Nam”.


Đề tài nghiên cứu của TS. Lê Quang Trung trình bày tại Hội thảo QMFS 2017

Nghiên cứu của TS. Lê Quang Trung cho thấy, Việt Nam có nghề nuôi ong phát triển với trên 1 triệu đàn, gồm 2 loài ong mật: Ong nội  Apis cerana (400 nghìn đàn), cho năng suất từ 10-15 kg mật/đàn/năm; ong ngoại A. mellifera (khoảng 1 triệu đàn), cho thu hoạch 40-50 kg mật/đàn/năm. Tổng sản lượng mật ong sản xuất hằng năm và xuất khẩu đạt khoảng 35-40 nghìn tấn.

Cũng như các loại thực phẩm khác, năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm của mật ong đang là tiêu chí hàng đầu trên thị trường trong nước và quốc tế. Do còn tồn dư các BVTV, thuốc thú y... nên giá bán mật ong của Việt Nam thấp hơn so với các nước khác từ 20 đến 25%.

Cũng vì tồn dư chất kháng sinh nên từ năm 2007-2013, Việt Nam đã bị cấm xuất khẩu mật ong sang thị trường châu Âu, và từ năm 2011 đến 2015, các nhà nhập khẩu Mỹ cho rằng Việt Nam không có ngành ong vì một số nhà xuất khẩu đã gian lận trong việc mua gom mật ong từ các nước khác để xuất khẩu sang Mỹ.

Đây là những lý do để chuỗi giá trị sản xuất mật ong an toàn thực phẩm sẽ là mô hình lý tưởng để nâng cao năng suất, chất lượng và ATTP trong mật ong là giải pháp để giữ vững và phát triển thương hiệu mật ong Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Một số người nuôi ong cũng như nhà sản xuất và xuất khẩu mật ong ở Việt Nam đã và đang áp dụng quy trình VietGAHP, hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc như HACCP vào chuỗi cung ứng mật ong.

Tuy nhiên, tồn dư kháng sinh, thuốc BVTV, kim loại nặng và tình trạng gian lận thương mại trong sản phẩm mật ong vẫn đang xảy ra, điều đó làm không chỉ giảm khả năng cạnh tranh về chất lượng mà còn đe dọa thương hiệu mật ong của Việt Nam.

Theo TS. Lê Quang Trung, chuỗi giá trị sản xuất mật ong đảm bảo an toàn thực phẩm đã được nhiều nước có nghề nuôi ong phát triển áp dụng hiệu quả. Chuỗi bao gồm hàng loạt các hoạt động sản xuất, kinh doanh có liên quan chặt chẽ với nhau, từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến, kiểm soát chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và tiêu thụ mật ong.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau có liên quan đến các hệ thống sản xuất mật ong được thể hiện bằng các chỉ số riêng, góp phần đảm bảo các thành viên trong chuỗi vừa tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và giá cả, lại vừa đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong sản xuất, kinh doanh tại các khâu trong chuỗi.


TS. Lê Quang Trung tham luận về “Nghiên cứu áp dụng chuỗi giá trị an toàn thực phẩm trong sản xuất mật ong ở Việt Nam”

Cùng với sự phát triển của Ngành nuôi Ong Việt Nam, nhà nước cũng đã xây dựng và ban hành các quy trình VietGAHP, các tiêu chuẩn kỹ thuật về mật ong, về kiểm tra tồn dư thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật… Tuy nhiên, có rất ít các công ty áp dụng VietGAHP, HACCP, ISO22000, ISO9000… vào nuôi ong, sơ chế và chế biến sản phẩm ong.

Trước thực trạng đó, TS Lê Quang Trung kiến nghị: Hội nuôi Ong Việt Nam cần sớm đưa ra chương trình hành động cụ thể để xây dựng điểm chuỗi giá trị ATTP trong sản xuất mật ong cho các thành viên của Hội; khuyến khích các thành viên áp dụng qui trình nuôi ong VietGAHP trong nuôi ong, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (ISO9000, ISO22000) và HACCP trong sơ chế, chế biến, xuất khẩu mật ong. Khi đã hoàn thiện và vận hành hiệu quả, chuỗi giá trị sẽ được quảng bá, nhân rộng cho các thành viên của Hội trong cả nước và toàn ngành ong.

Về phía nhà nước, bên cạnh các văn bản quy định và hướng dẫn để nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành ong nước ta, cần đưa ra chế tài xử phạt các hoạt động gian lận thương mại trong tiêu thụ và xuất khẩu mật ong.

“Xây dựng và áp dụng chuỗi giá trị sản xuất mật ong đảm bảo an toàn thực phẩm là giải pháp cấp thiết và phù hợp để mật ong Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật, nâng cao tính cạnh tranh và đảm bảo cho ngành ong Việt Nam phát triển bền vững”, TS. Lê Quang Trung kết luận.


Các đại biểu dự QMFS 2017 chụp ảnh lưu niệm

FSI

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
26
Tổng truy cập:
5349128